Nghệ thuật

Người giữ hồn nghệ thuật Hát Văn

Dành cả cuộc đời cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là Hát Văn, NSƯT Văn Ty luôn đau đáu với việc gìn giữ, phát triển, đưa Hát Văn đến gần hơn với công chúng, để loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này được tôn vinh những giá trị đích thực.

Lớn lên cùng điệu hát quê hương

NSƯT Văn Ty sinh trưởng tại miền quê Xuân Trường, tỉnh Nam Định – vùng đất phát tích nhiều loại hình nghệ thuật văn hoá truyền thống, trong đó, Hát Văn được coi như “đặc sản” ở nơi đây. Hát Văn hay Chầu Văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần. Tín ngưỡng thờ Mẫu, gồm có Hát Văn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đồng thời là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thuở nhỏ, nghệ sỹ Văn Ty thường theo mẹ đi lễ, xem hội. Mỗi khi được đi xem, cứ thấy có chiếu hát là ông say sưa nghe chẳng muốn về. Cha của ông ở trong đội văn nghệ xóm nên thi thoảng ông cũng được theo chân cha đi biểu diễn. Những làn điệu của quê hương cứ thế thấm sâu vào tâm hồn ông từ tấm bé. Khi ông chừng 7 – 8 tuổi, một cung văn ở Hà Nội sơ tán về ở cạnh nhà ông. Nghệ sĩ Văn Ty nói vui rằng hầu như ngày nào ông cũng được nghe hát. Lâu dần, vì quá thích thú nên ông sang xin phép cung văn ấy cho xem đàn, nghe hát và trực tiếp chỉ dạy. Thế rồi những điệu Hát Văn đã theo ông từ ấy…

Năm 1972, ông trúng tuyển và theo học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi ra trường, ông công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam và gắn bó với mảnh đất Hà thành từ đó. Lúc còn đi học và khi đã trở thành cán bộ nghiên cứu, ông vẫn không ngừng luyện hát, trau dồi ngón đàn của mình. Ông đã tìm đến rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, các cung văn nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành để học hỏi. Cho đến nay, ông là một trong số ít người vừa biết đàn, hát, gõ và nắm được đầy đủ niêm luật, lề lối trong hát văn cổ. NSƯT Văn Ty được đào tạo chính quy đàn nguyệt nhưng thành thạo cả đàn nhị và đàn đáy. Đồng thời, ông cũng là một giọng ca Xẩm có tiếng đất Hà thành.

Đưa nghệ thuật Hát Văn đến gần với công chúng

NSƯT Văn Ty đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, lưu giữ và khôi phục nhiều bài hát, làn điệu Hát Văn cổ. Đầu những năm 1980, ông đã thu âm hàng chục băng, đĩa Hát Văn giới thiệu tới công chúng. Các nhạc phẩm của ông đã được phát sóng trên đài tiếng nói FM của Pháp. Bên cạnh đó, NSƯT Văn Ty cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tham gia biên soạn một số cuốn sách về tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần và về nghệ thuật Hát Văn như: “Hát Văn”, “Đạo Mẫu”, “Tứ bất tử”…

Với mong muốn khôi phục các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền và mai một, đồng thời phổ biến rộng rãi tới công chúng, NSƯT Văn Ty cùng nhạc sỹ Thao Giang thành lập nhóm nhạc thể nghiệm văn hóa dân gian Nhị Hà, là tiền thân của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam mà hiện nay ông đang là Phó Giám đốc. Nhóm nghệ sỹ đã tiên phong quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian ra cộng đồng và đến với sân khấu chuyên nghiệp Thủ đô. Những giá đồng, chiếu xẩm chợ Đồng Xuân và trong không gian phố đi bộ mỗi cuối tuần đã thu hút nhiều khán giả Thủ đô cũng như khán giả trong và ngoài nước. Tiếp đó, NSƯT Văn Ty còn đưa Hát Văn vào trong chèo, múa rối nước. Năm 2005, ông đã lồng ghép Hát Văn vào vở kịch xiếc “Làng tôi” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng. Vở diễn đã gây được tiếng vang lớn và đã có hàng trăm buổi trình diễn trong và ngoài nước. Các Đoàn chèo Trung ương, Đoàn chèo Quân đội mời ông cố vấn và dàn dựng các vở diễn cho nhà hát. Cùng với việc khôi phục, gìn giữ lối Hát Văn cổ, NSƯT Văn Ty cũng sáng tác lời mới và phổ nhạc những bài thơ nổi tiếng cho điệu Hát Văn như: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (thơ Nguyễn Duy), Chân quê (thơ Nguyễn Bính)… Cùng với các đồng nghiệp, NSƯT Văn Ty đã mang Hát Văn ra thế giới, đi tới hàng chục quốc gia khác nhau để quảng bá loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo tới bạn bè năm châu. Hát Văn đã trở nên phổ biến, gần gũi hơn với công chúng trong và ngoài nước.

NSƯT Văn Ty luôn chú trọng đến việc phát huy và bảo tồn nghệ thuật Hát Văn nói riêng cũng như âm nhạc dân gian nói chung. Ông tham gia giảng dạy các lớp Hát Văn, Xẩm… tại Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và  học trò đến từ nhiều nơi như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa… Ông vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1990 cho những cống hiến không mệt mỏi với nghệ thuật truyền thống.

Say mê và tâm huyết, NSƯT Văn Ty vẫn không ngừng gìn giữ, phát huy và truyền bá nghệ thuật Hát Văn cho thế hệ trẻ, để những tinh hoa của âm nhạc dân tộc mãi được lan tỏa.

Minh Trang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *