Thể Thao

Người níu giữ điệu chèo tàu Tân Hội

Gắn bó với nghệ thuật dân gian đã tròn bốn mươi năm, Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo tàu xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vẫn không ngừng nỗ lực tìm tòi, sưu tầm, phục dựng và gìn giữ những điệu chèo tàu cổ cũng như lan […]

Gắn bó với nghệ thuật dân gian đã tròn bốn mươi năm, Nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo tàu xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vẫn không ngừng nỗ lực tìm tòi, sưu tầm, phục dựng và gìn giữ những điệu chèo tàu cổ cũng như lan truyền tình yêu chèo tàu đến thế hệ trẻ.

1

Nghệ nhân Ngô Thị Thu tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

           Tới gặp nghệ nhân Ngô Thị Thu vào đúng dịp bà và các hội viên Câu lạc bộ Chèo tàu xã Tân Hội đang hăng say luyện tập và tất bật với những công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 600 năm ngày mất của Đức Thánh Văn Dĩ Thành vào 12 tháng 3 âm lịch. Ông là vị tướng tài đức có công đánh tan giặc Minh xâm lược. Điệu hát chèo tàu hay còn gọi là hát Tàu Tượng do người dân Tổng Gối xưa sáng tạo với Hội hát chèo tàu được tổ chức để tôn vinh và  tưởng nhớ công ơn Đức Thánh. Chèo tàu chỉ có ở Tân Hội. Điều độc đáo ở loại hình nghệ thuật dân gian này, đó là chỉ có nữ giới mới được hát hầu Thánh. Ngỏ lời muốn viết về chân dung của nữ nghệ nhân, bà Thu cười nở nụ cuời hiền hậu và nói: “Ôi có gì đâu, tôi chỉ là một người nông dân yêu chèo tàu quê hương mình mà thôi!”.

          Tâm huyết với chèo tàu

          Mười tám tuổi, nghệ nhân Ngô Thị Thu bén duyên với nghệ thuật. Tham gia  đội văn nghệ xã từ năm 1976, bà Thu làm quen với chèo rồi cải lương. Một thời gian sau, bà bắt đầu học hát chèo tàu, nhưng lúc đó là các làn điệu với lời được biên soạn mới chứ chưa phải chèo tàu nguyên bản. Thuở đôi mươi đầy nhiệt huyết, bà theo đội văn nghệ xã đi biểu diễn ở các làng, xã bên, có lần tới tận nửa đêm mới về. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng thứ bà có được là những kỷ niệm đẹp và tình yêu nghệ thuật dân gian được bồi đắp thêm từng ngày. Những giai điệu chèo tàu của quê hương Tân Hội cứ thế ngấm vào máu bà, lớn dần theo năm tháng.

220

Hội hát chèo tàu Tổng Gối

           Năm 1998, Hội hát chèo tàu được khôi phục lại sau 76 năm vắng bóng. Để gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, Câu lạc bộ Chèo tàu xã Tân Hội ra đời. Mong muốn tìm lại chèo tàu cổ và phục dựng không gian diễn xướng Tàu Tượng xưa không ngừng thôi thúc nghệ nhân Ngô Thị Thu. Bà tập trung sưu tầm các làn điệu cổ, nghiên cứu bối cảnh, trang phục trình diễn chèo tàu nguyên bản. Bà chia sẻ, chèo tàu cổ có 360 làn điệu, nhưng đến nay mới chỉ lưu giữ được chính xác về ngôn ngữ và cách hát của gần 20 làn điệu. Nghệ nhân Ngô Thị Thu luôn chú trọng truyền dạy hát chèo tàu cho thế hệ ca nhi trẻ. Từ năm 1998 đến nay, Câu lạc bộ Chèo tàu liên tục mở các lớp đào tạo các em từ 10-16 tuổi. Các nữ ca nhi được nghệ nhân dạy hát từ khoảng tháng 8 âm lịch để chuẩn bị cho hội diễn mùa Xuân năm sau. Bà tâm niệm, dạy cho học trò bằng lòng nhiệt thành, mang lời ca tiếng hát tiếp nối đến thế hệ sau để các em hiểu, yêu mến và gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương.

          Những cống hiến của bà dành cho nghệ thuật dân gian, đặc biệt là với chèo tàu, đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng, bằng khen và huy chương tại các hội diễn. Nổi bật là Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa năm 2002. Năm 2012, bà nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Tiếp đó, năm 2015, bà là một trong 39 nghệ nhân của Hà Nội được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước lĩnh vực Di sản văn hóa Phi vật thể.

          Và những trăn trở

          Bà Thu không giấu được nỗi niềm rằng chèo tàu còn quá ít người biết đến. Bà mong muốn sớm có cơ hội mang môn nghệ thuật dân gian độc đáo của Tân Hội đến với Liên hoan Dân ca toàn quốc để từ đó, chèo tàu đến gần hơn với khán giả cả nước. Bà Thu chia sẻ, hôm dự lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nhìn các nghệ nhân cao tuổi, bà chạnh lòng nghĩ tới các bậc tiền bối hát chèo tàu của quê huơng mình. Những bậc cao niên ấy đã giành trọn vẹn cuộc đời cho chèo tàu, nay đã khuất núi mà chưa nhận đuợc sự tôn vinh xứng đáng.

          Xin nghe một vài câu chèo tàu mà nghệ nhân Ngô Thị Thu tâm đắc và hay hát nhất, bà bảo rằng bài nào cũng thích, cũng yêu thì sao mà chọn cho được. Sau hồi lâu đắn đo, bà hát cho tôi một đoạn trong “Cổ kiêu ba ngấn”, ca ngợi nét đẹp xuân thì của người thiếu nữ. Với giọng hát tình cảm, nghệ nhân Ngô Thị Thu muốn gửi gắm những yêu thương, trân quý dành cho thế hệ các nữ ca nhi trẻ tuổi của Tân Hội đang từng ngày miệt mài với chèo tàu:

“Cổ mà là cổ kiêu

 Ố rằng là thì ba ngấn

 Ta bớ a ru hời

 Ba ngấn mà cổ kiêu…”         

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *