Văn hóa

Nhiều hoạt động kỷ niệm 1085 năm đức vua Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa

Cùng với việc tổ chức kỷ niệm 1.085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh mong muốn: Sau khi Đền thờ Đức vua Ngô Quyền hoàn thành, Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa sẽ trở thành Lễ hội văn hóa truyền thống hằng năm, được tổ chức tại Đền vào ngày 12/3 âm lịch.

Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh đã có nhiều hoạt động, tiêu biểu như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo, Ca trù, Rối nước; trình diễn trống hội; đặc biệt là Chương trình nghệ thuật thực cảnh kết hợp trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping tái hiện sự kiện Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa.

Dự buổi Lễ kỷ niệm có đồng chí Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh và đông đảo người dân đến dự.

Cách đây 1.085 năm, với chiến thắng oanh liệt, đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên phát triển của quốc gia độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam.

Đức vua Ngô Quyền xưng Vương, lập ra nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm Kinh đô, với ý nghĩa nối tiếp sự nghiệp dựng nước đời Hùng Vương, An Dương Vương, tạo nên bước ngoặt vĩ đại của lịch sử. Ông được lịch sử tôn vinh là vị Tổ Trung hưng của dân tộc Việt Nam.

Trước đó, thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Thục Phán An Dương Vương đã thống nhất Âu Việt và Lạc Việt lập ra nhà nước Âu Lạc, chọn Cổ Loa làm Kinh đô. Cổ Loa trở thành một tổ hợp Kinh thành – Quân thành – Thị thành đầu tiên của dân tộc, một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa đầu tiên của nước ta.

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng tự hào: Lễ kỷ niệm 1.085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, cách mạng của quê hương Đông Anh, giá trị di sản văn hóa của khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa – nơi hai lần là Kinh đô nước Việt.

Lễ kỷ niệm 1.085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa

Trong nhiều năm qua, huyện Đông Anh đã chủ động đề xuất và được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương chọn vị trí, địa điểm xây dựng Đền thờ đức Vua Ngô Quyền, được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cùng với việc tổ chức kỷ niệm 1.085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh mong muốn: Sau khi Đền thờ Đức vua Ngô Quyền hoàn thành, Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa sẽ trở thành Lễ hội văn hóa truyền thống hằng năm, được tổ chức tại Đền vào ngày 12/3 âm lịch. Đây là ngày lễ hội chính thức với ý nghĩa: Là ngày sinh của đức vua Ngô Quyền, đồng thời mang ý nghĩa nối nghiệp quốc thống, tỏ rõ ý nguyện tiếp tục sự nghiệp dựng nước, giữ nước thời Văn Lang – Âu Lạc, ngay sau ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3.

Kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa cũng là dịp để Nhân dân Đông Anh tự hào, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ ông cha đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn về sự nghiệp Trung hưng đất nước của Đức vua Ngô Quyền trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đoàn đại biểu huyện Đông Anh đến thắp hương và viếng lăng Ngô Quyền ở xã Đường Lâm, Sơn Tây

Nằm trong các hoạt động nhân kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, tại di tích Thành Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.

Triển lãm gồm ba chủ đề: Hào trưởng đất Đường Lâm, giới thiệu khái quát về mảnh đất Đường Lâm lịch sử, thân thế và dòng tộc của Ngô Quyền.

Chủ đề thứ hai là Nổi sóng Bạch Đằng  giới thiệu về trận thủy chiến vĩ đại trên cửa biển Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy thắng lợi, đánh tan quân Nam Hán kết thúc nghìn năm năm Bắc thuộc.

Chủ đề thứ 3 là Thành Cổ Loa mở nền độc lập, giới thiệu công cuộc định đô, xây dựng nền độc lập và dấu tích, truyền thuyết của Ngô Quyền tại Cổ Loa cũng như công lao của đức vua được các triều đại lịch sử Việt Nam và nhân dân ghi nhận…

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ nay cho đến hết tháng 11/2024.

Thanh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *