Tin ngành

Phát huy nguồn lực xây dựng Tây Hồ thành “quận lõi đô thị”

Chiều 21/10, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Tây Hồ, Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có buổi làm việc với Ban Thường vụ quận ủy Tây Hồ về việc triển khai thực hiện mô hình “Phường Văn hóa” và phát triển “Công nghiệp văn hóa” trên địa bàn quận.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại biểu Sở Văn hóa và Thể thao có đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; các đồng chí Phó Giám đốc Sở Trần Thị Vân Anh, Phạm Thị Mỹ Hoa và đại diện lãnh đạo một số phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

Đại biểu Quận ủy Tây Hồ có đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Tây Hồ, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực quận ủy cùng đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc quận và lãnh đạo 2 “Phường Văn hóa” Quảng An và Nhật Tân.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Thường vụ quận ủy Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực quận ủy Nguyễn Tuấn Anh đã báo cáo về những tiềm năng, lợi thế riêng có của quận Tây Hồ. Qua nhiều kỳ Đại hội, quận Tây Hồ xác định phấn đấu xây dựng thành Trung tâm dịch vụ- du lịch- văn hóa của Thủ đô. Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi; đặc biệt có hồ Tây là một thắng cảnh vô cùng quý giá cùng với nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, hội tụ những thời cơ, thuận lợi và thách thức trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Việc quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển các ngành “Công nghiệp văn hóa” (CNVH) trên địa bàn quận là điều rất cần thiết. Đây là “Điểm nhấn” quan trọng của quận trong việc triển khai nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết 33 (Khóa XI).

Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc

Với lá phổi xanh trong lòng thành phố, một trong những thắng cảnh đẹp của Thủ đô Hà Nội, với không gian thoáng rộng, phong cảnh đẹp và yên tĩnh cùng một vùng danh lam với 71 di tích lịch sử, mỗi di tích là một kiến trúc đặc sắc, một trang sử sinh động phản ánh quá trình phát triển của cả kinh thành Thăng Long xưa, quận đã chủ động đầu tư hệ thống xe điện quanh Hồ Tây kết nối một số di tích như: chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, đền Đồng Cổ…thành các tuyến du lịch văn hóa, đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Phó Bí thư Thường trực quận ủy Tây Hồ Nguyễn Tuấn Anh

Bên cạnh đó, Quận có nhiều làng nghề truyền thống như: Đào Nhật Tân, Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên, Quảng Bá, Trà sen Quảng An, Cá cảnh Yên Phụ, Xôi Phú Thượng, giấy Dó (Bưởi)… nổi tiếng khắp vùng. Quận đã xây dựng và duy trì “Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” gắn với phố Trịnh Công Sơn với quảng trường lớn và sân khấu ngoài trời rộng hơn 2000m phù hợp để tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề mỗi dịp cuối tuần. Liền kề với đó là khu Đầm sen Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, Khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ, thung lũng hoa… hàng năm thu hút hàng nghìn lượt người khách trong nước và ngoài nước, đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi giải trí và ẩm thực của người dân.

Trên địa bàn quận có 129 khách sạn và cơ sở lưu trú, trong đó có hệ thống các khách sạn tiêu chuẩn quốc tế nổi tiếng như: Sheraton, Intercontinental, Thắng Lợi hotel, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực quận ủy Tây Hồ cho biết: quận sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Đề án trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển Công nghiệp văn hóa; triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng số hóa phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”. Phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên lợi thế của Quận; hình thành, kết nối các tuyến du lịch tham quan địa bàn quận bằng đường bộ và đường thủy (Hồ Tây), mở rộng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,… Đẩy nhanh tiến độ dự án vui chơi giải trí Hellokitty tại phường Yên Phụ, dự án khu vui chơi giải trí công viên nước Hồ Tây, dự án Nhà hát Opera (Con sò) phường Quảng An, dự án Trung tâm thương mại Lottle phường Phú Thượng, tạo thương hiệu không gian  biểu diễn nghệ thuật quận Tây Hồ…

Về việc triển khai thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII và Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021- 2025”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quận sẽ tập trung nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa như: Gia đình Văn hóa, Tổ dân phố Văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu, tiếp tục xây dựng các “Phường Văn hóa” hướng tới xây dựng các phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Để phát huy vai trò của văn hóa cơ sở, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo, xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND Thành phố về việc tháo gỡ khó khăn trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích, xây dựng cơ chế hoạt động cho Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp phường, các nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà Văn hóa Tổ dân phố; đề xuất được cấp phép trở lại đối với hoạt động karaoke, Quy hoạch đối với loại hình quảng cáo tại hông nhà và ban hành quy chế quản lý đối với loại hình biển hiệu để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết quận Tây Hồ đang thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực trong đê, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển CNVH. Giai đoạn 2021- 2025, quận xác định sẽ triển khai thực hiện 7 đề án gồm: Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ”, “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục vụ mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”, “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”, Đề án “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức Trà Sen Tây Hồ, phường Quảng An”, “Phát triển làng nghề Hoa đào Nhật Tân gắn với dịch vụ du lịch”, Đề án “Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống- xôi Phú Thượng”, “Phát triển làng nghề Quất cảnh Tứ Liêm gắn với du lịch”. Đồng chí cũng đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm tạo điều kiện để quận thực hiện một số dự án sáng tạo, phát triển quảng trường Tây Hồ và một số di tích văn hóa tiêu biểu trên địa bàn quận để phát triển CNVH trên địa bàn quận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh

Nhất trí với nội dung báo cáo các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh đánh giá cao tiềm năng của quận Tây Hồ và định hướng mà quận đã đặt ra. Với mục tiêu phát triển thành Trung tâm dịch vụ- du lịch- văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ có đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành một quận Văn hóa. Trong nhiệm kỳ tới, đồng chí mong muốn quận tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bắt đầu từ các Gia đình Văn hóa, Tổ dân phố Văn hóa, Phường Văn hóa với các mô hình như: “Gia đình an toàn Covid”, “Gia đình nghệ sĩ tiêu biểu”, “Gia đình làm kinh tế giỏi”…Từ văn hóa làm nền tảng để phát triển văn minh đô thị. Thực hiện tốt 02 Bộ Quy tắc ứng xử. Quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực di sản, quản lý di tích, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hoàn thiện chuẩn hóa biển hiệu, biển chỉ dẫn, quảng cáo và chiếu sáng. Quản lý đầu tư phát huy các thiết chế văn hóa, thể thao từ quận tới cơ sở. Nhận diện và đầu tư các không gian sáng tạo văn hóa. Khởi động lại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Phát triển các môn thể thao mặt nước như: lướt ván, đua thuyền, khinh khí cầu. Tổ chức các giải thể thao có thương hiệu. Phát động giải thưởng Trịnh Công Sơn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng thống nhất với báo cáo và những đề xuất kiến nghị của Ban Thường vụ quận ủy Tây Hồ để cùng trao đổi và từng bước tháo dỡ khó khăn. Đồng chí mong muốn trong giai đoạn tới, quận sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng của Hồ Tây và sông Hồng. Trong tương lai, quận cần phát triển các trục trung tâm từ hồ Tây dẫn tới Cổ Loa, trục Hồ Tây đi Ba Vì để bố trí, sắp xếp các không gian sáng tạo và lựa chọn các sản phẩm, công nghệ mới, dịch vụ mới để phục vụ đông đảo người dân và khu khách. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận lõi đô thị. Khai thác tiềm năng, nguồn lực về đất đai, phát triển, tạo dựng các không gian mặt nước, trên không, trong đê và ngoài đê. Phát triển nguồn lực dịch vụ với những cách làm mới như gặp gỡ, tôn vinh các doanh nghiệp, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho quận, quan tâm tới các doanh nghiệp mới. Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và những năm tiếp theo, những việc trọng tâm, trọng điểm để phát huy thế mạnh của quận gắn với lộ trình cụ thể. Đồng chí đánh giá cao hoạt động văn hóa tại cơ sở. Đồng chí mong muốn quận tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản trên địa bàn gắn với không gian xanh. Tiếp tục phát triển Thể dục thể thao khối trường học, lực lượng vũ trang và phong trào thể dục thể thao quần chúng xung quanh hồ Tây. Quận cần tập trung phát triển ở 3 lĩnh vực quan trọng, gồm: Thiên nhiên; Di sản, truyền thống lịch sử và xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Tây Hồ thanh lịch, văn minh.

Tại buổi làm việc, Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng tiếp thu ý kiến phát biểu gợi mở của đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cùng ý kiến của các đồng chí trong đoàn và khẳng định, thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục phát huy nguồn lực để tìm kiếm hướng đi, cách làm mới để tiếp tục chuyển mình. Với đội ngũ cán bộ tâm huyết cùng nền tảng văn hóa và công tác quản lý nhà nước sẽ tạo được diện mạo mới ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, tạo sự hấp dẫn cho thương hiệu chung của quận Tây Hồ. Quận xác định sẽ phát huy thế mạnh của từng địa bàn để đầu tư nguồn lực, định hướng để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và đông đảo Nhân dân tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa, phát huy giá trị đã có để phục vụ chính người dân trên địa bàn được hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Thời gian tới, quận sẽ xây dựng lộ trình để cụ thể hóa các nội dung. Xác định rõ những việc làm ngày và những việc lâu dài, lấy đề án phát triển CNVH làm trọng tâm để phối hợp với các sở, ngành khác cùng giải quyết những vấn đề khó, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021- 2025”.

Thanh Mai

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *