Chưa được phân loại

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: “Đòn bẩy” từ xã hội hóa

Nếu như sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và đơn vị công lập là nền tảng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thì nguồn lực xã hội hóa chính là “đòn bẩy” thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá […]

Nếu như sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và đơn vị công lập là nền tảng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thì nguồn lực xã hội hóa chính là “đòn bẩy” thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khuyến đọc, đưa tri thức đến cộng đồng với quy mô và hình thức đa dạng, tạo thành phong trào, từng bước xây dựng, phát triển thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân.

Các bạn trẻ đọc sách tại thư viện sách miễn phí số 66 Chùa Láng, Hà Nội. (Ảnh chụp tháng 6-2020). Ảnh: Nguyễn Quang

Sự vào cuộc tích cực

“Hành trình từ trái tim” do Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên thực hiện là một chương trình xã hội hóa tiêu biểu, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Nguyễn Nguyên, gần 10 năm qua, chương trình “Hành trình từ trái tim” đã tặng hàng chục triệu cuốn sách quý cho thanh niên Việt Nam, xây dựng hàng chục nghìn tủ sách ở vùng sâu, vùng xa… Cùng với đó, các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đều được thiết kế theo mô hình cà phê sách, để bạn đọc có thể thưởng thức cà phê và tìm đọc những cuốn sách bổ ích.

Để triển khai Kế hoạch số 4058/KH-BTTTT ngày 14-11-2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020-2030 theo hướng xã hội hóa, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, xuất bản 30 tên sách đưa đến 13.000 điểm bưu điện văn hóa xã và phát triển mô hình cà phê sách của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên tại các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup triển khai dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” cho các thư viện tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ năm 2016 đến nay, dự án đã trao tặng 44 xe, mỗi xe có 4.500 cuốn sách, 6-10 máy tính, cùng máy chiếu phim, tài liệu điện tử, sách nói… và thực hiện hàng nghìn chuyến luân chuyển sách phục vụ lưu động tới hơn 6 triệu lượt người.

Ở quy mô nhỏ hơn, từ năm 2019, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Huy Du và các đồng nghiệp đã lập Tủ sách thiện nguyện Lá bồ đề tại địa chỉ: Labode.net, nhằm chia sẻ, quyên góp các loại sách phù hợp đưa đến trẻ em vùng sâu, vùng xa dưới dạng bản giấy và bản điện tử. Trong khi đó, hơn một năm qua, thư viện trên tầng 2 của ngôi nhà 66 phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) mở cửa phục vụ đọc sách, trà, cà phê, bánh kẹo, nước uống miễn phí. Chị Nông Thị Hiên, quê ở Cao Bằng, đang lập nghiệp tại Hà Nội, là độc giả quen thuộc của thư viện này chia sẻ: “Sách ở đây rất phong phú. Thỉnh thoảng tôi mang sách của mình đến ủng hộ và đang được các thành viên sáng lập tư vấn làm thư viện miễn phí cho trẻ em ở quê hương Cao Bằng”. Đây là điển hình trong số gần 200 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng và hàng nghìn tủ sách trên cả nước được hình thành theo hướng xã hội hóa.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đọc sách trong sự kiện “Hành trình từ trái tim” của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (tháng 11-2020).

Chung tay phát triển văn hóa đọc

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà, những hoạt động xã hội hóa như kể trên là “đòn bẩy” cho văn hóa đọc phát triển sâu, rộng và thiết thực hơn. Việc huy động được nguồn lực xã hội hóa hiệu quả sẽ đem đến nguồn sách mới, thu hút sự quan tâm của người dân với sách, từ đó hình thành thói quen đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Hải Thanh cho biết, hiện tổng công ty đang quản lý 13.000 điểm giao dịch với hơn 8.000 bưu điện văn hóa xã. Đây chính là những đầu mối để lan tỏa sách đến cộng đồng và hiện các bưu điện văn hóa xã đều có tủ sách pháp luật, với khoảng 100 tên sách. Để thu hút người dân đến đọc sách, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tích cực huy động nguồn xã hội hóa, điển hình như việc ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và các đơn vị xuất bản, phát hành sách cung cấp nguồn thường xuyên.

Còn theo Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga, để thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thường xuyên cho hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thì các cơ quan, đơn vị công lập phải chủ động tổ chức các hoạt động liên kết, gặp gỡ, vận động tài trợ mang tầm quốc gia, quốc tế. Nhiều năm qua, Thư viện quốc gia Việt Nam đã tích cực tổ chức Ngày hội sách; triển lãm, trưng bày sách theo chuyên đề; giao lưu tác giả, tác phẩm Việt Nam và quốc tế… Nhờ đó, đơn vị đã nhận được hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng thư viện thông minh “Không gian chia sẻ S-hub”, “Thư viện văn hóa thiếu nhi”, “Không gian sách tiếng Pháp”…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, việc huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển văn hóa đọc cần nhiều phương thức mới, sáng tạo và chủ động hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích sự chung tay phát triển văn hóa đọc thông qua việc kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển văn hóa đọc; nhân rộng mô hình xã hội hóa hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bản sách, phát hành sách theo hướng xã hội hóa… để phong trào đọc sách ngày càng lan rộng và đạt hiệu quả.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/985365/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-don-bay-tu-xa-hoi-hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *