Điện ảnh

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả

​Với 6 giải thưởng quan trọng: Bông Sen vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất, Nam/nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Thiết kế Mỹ thuật xuất sắc nhất, Giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, Những người viết huyền thoại nhận được sự quan tâm, chú ý của giới truyền thông. Và quả thật, bộ phim đã không phụ sự mong đợi của người xem.

​​Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả

Những hình ảnh cảm động trong phim​

 

Những người viết huyền thoại lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời kỳ những năm 1960, khi tình thế yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng cao và cấp bách.

Phim xây dựng nhân vật tướng Dinh (NSƯT Hoàng Hải thủ vai) dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía Bắc đến miền Đông Nam Bộ.

Trong suốt bảy năm trời (1968-1975), dưới sự chỉ huy của Tướng Đinh Đức Thiện, bộ đội xăng dầu đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và hiểm nguy để lập nên kỳ tích xây dựng tuyến đường ống dài hơn 5 nghìn km, cùng hệ thống 100 kho chứa chạy suốt từ Bắc vào Nam.

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả - 1 

Bối cảnh chiến tranh được tái hiện sống động trong phim​​

Phải khẳng định dưới bàn tay đạo diễn của Bùi Tuấn Dũng, nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng, và giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng đây là một bộ phim hay, xúc động về chiến tranh. Một bộ phim có cốt truyện xuyên suốt, liền mạch, được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, âm thanh, hình ảnh. Cũng phải nói thêm rằng, đây là một trong số ít những bộ phim chiến tranh đề cập đến lực lượng bộ đội hậu cần vận tải xăng dầu, xây dựng đường ống dẫn dầu.

Trước tiên, phim đã khắc họa thành công không khí khốc liệt, sức tàn phá kinh khủng nhưng cũng vô cùng hào hùng, bi tráng của cuộc chiến tranh dân tộc. Người xem như bị “quẳng vào” không khí bom đạn, những trận bom dội liên tục, ác liệt; pháo dồn dập bắn khắp nơi; sự truy đuổi và chiến đấu không ngừng nghỉ giữa các chiến sĩ ta và địch; những cuộc hành quân trùng trùng điệp điệp; những sự hy sinh mất mát không gì bù đắp được.

Bên cạnh những cảnh quay khốc liệt được chăm chút công phu, phong cảnh thiên nhiên cũng được mô tả rất đẹp trong phim, đặc biệt là trong những cảnh quay tình cảm, lãng mạn. Người xem không khỏi thốt lên khi góc máy lột tả sự hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng Trường Sơn, không khỏi xuýt xoa, ngẩn người với những vòm cây lá đỏ rung rinh trước gió, con suối trong veo khi róc rách thơ mộng, khi ầm ào dữ dội… trong phim.

Cùng với nội dung, kỹ thuật, dàn diễn viên góp phần rất lớn làm nên sự thành công của bộ phim.

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả - 2 

Trương Minh Quốc Thái quá xuất thần

NSƯT Hoàng Hải trong vai tướng Dinh đã thể hiện đầy đủ những góc cạnh của một vị tư lệnh, bản lĩnh, có tài cầm quân, mạnh mẽ nhưng cũng rất “đời”, yêu thương đồng đội, yêu thương lính. 

Trương Minh Quốc Thái trong vai Nghĩa đã lột tả trọn vẹn hình ảnh một anh lính giao liên có vẻ ngoài lạnh lùng, khô khan, mạnh mẽ, tưởng như hiếu chiến nhưng lại ẩn chứa bên trong một trái tim tràn đầy tình cảm, một sự nhút nhát rất đáng yêu (khi có những rung cảm đầu tiên với người con gái anh thương). Ta không sao quên được ánh mắt đau đáu, vẻ mặt cố gắng giấu đi sự đau khổ tột cùng, có khi bàng hoàng, ngơ ngác của anh khi chứng kiến những cái chết của đồng đội, khi tận mắt thấy xác người con gái anh mới ngỏ lời thương bên dòng suối.

Mặc dù xuất hiện không nhiều, nhưng Tăng Bảo Quyên đã khắc họa tròn vai hình ảnh cô văn công Hà, một cô gái người Hà Nội nhẹ nhàng, dịu dàng, xinh đẹp, lãng mạn nhưng cũng rất mạnh mẽ, gan dạ.

Làm sao không nhớ hình ảnh cô văn công ấy mượt mà, tình cảm trong điệu dân ca quan họ phục vụ các chiến sĩ trên chiến trường; sao không nhớ hình ảnh người con gái lần đầu e thẹn, mơ mộng, lãng mạn bên dòng suối khi hứa hẹn ngày gặp lại với người con trai cô dành tình cảm và làm sao có thể quên hình ảnh cô ngã xuống dòng suối khi dẫm vào mìn của địch mà trên tay vẫn còn nắm chiếc lá đỏ rừng Trường Sơn…

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả - 3 

Tăng Bảo Quyên vai cô văn công khá xuất sắc

Các diễn viên như Bảo Thanh (được biết đến qua vai Đũi trong bộ phim “Trò đời”) vào vai Mai, em gái Nghĩa; hai diễn viên nhí Phùng Hoa Hoài Linh và Bùi Dương Kiếm Hùng cũng thể hiện rất tốt vai diễn của mình – là một trong biết bao huyền thoại của đất nước, dân tộc đã phải chìm trong biển lửa chiến tranh này.

Các diễn viên, cùng nhau mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ ngộ nghĩnh, hài hước đến rưng rưng cảm động. Níu người xem chăm chú dõi theo bộ phim trong suốt 100 phút.

Trong phim, có ba cảnh phim mang lại nhiều cảm xúc, trải nghiệm cho người xem chính là cảnh đoàn chiến sĩ bất động giữa dòng suối với quả bom từ trường trước mắt đang chờ kích nổ. Trong giờ phút sinh tử, mọi thứ dường như đứng cả lại, giọt mồ hôi trên khuôn mặt những người lính trẻ cũng như ngừng rớt xuống. Cảnh quay đã làm lay động người xem bởi làm ngưng đọng giờ phút sinh – tử. Có lẽ, không ở đâu lằn ranh giữa sự sống và cái chết lại mỏng manh như vậy. Và cũng chính trong giờ phút đó, tinh thần đồng đội, sự tương trợ lẫn nhau được đề cao, được thể hiện.

Cảnh thứ hai là cảnh đoàn văn công, trong đó có Hà, trên đường qua suối trở ra Bắc đã bị vướng mìn của địch. Không gian ngừng lại, từng người lính áo xanh lần lượt ngã xuống. Máu của họ hòa vào nước suối trong. Bi tráng vô cùng. Lay động vô chừng.

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả - 4 

Những cảnh chiến đấu trong phim vô cùng chân thật​

Cảnh cô văn công Hà ngồi bên bờ suối có lẽ là cảnh đẹp và lãng mạn nhất của bộ phim. Hàng lá đỏ rung rinh trước gió, rừng rào rào tiếng lá, suối reo trong lành… Nó là những giây phút bình yên, thanh bình, lãng mạn trong thời chiến. Nó là thứ để người ta khi nhớ về chiến tranh dù khốc liệt đến bao nhiêu vẫn có thể mỉm cười.

Tuy thế, bộ phim cũng có một vài nhược điểm khiến người xem không khỏi tiếc. Đó là cảnh Nghĩa chỉ với súng AK phơi mình dưới làn đại liên 6 nòng của trực thăng xối xả nhưng không hề gì mà sau đó còn bắn cháy máy bay, cảnh bé Hùng hồn nhiên nhởn nhơ chốn bom đạn, cảnh Mây tham gia bắn máy bay cùng tướng Dinh, cảnh máy bay đã bị bắn hạ mà còn bay là là mặt đất trước khi phát nổ ở cuối phim…

Thêm nữa, mặc dù có gợi lên nhiều cảm xúc cho người xem, nhưng cảm xúc ấy ‘vẫn” giữ người xem ở “bờ” rưng rưng, chưa vỡ òa, chưa thăng hoa, để người xem có thể bật khóc ngon lành. Cả mạch truyện, có lẽ, do tập trung hơi nhiều vào chiến trận, vào bom đạn, mà phần lắng sâu cảm xúc, đưa người xem đến tận cùng cảm xúc còn hơi nhẹ. 

Phim chiến tranh Việt lấy nước mắt khán giả - 5 

Đây là bộ phim Việt hiếm hoi khai thác đề tài chiến tranh thành công

Xin mượn lời đạo diễn Bùi Tiến Long để kết bài viết này: “Tôi muốn thể hiện, một dân tộc khi bị dồn đến đường cùng thì những hành vi bình thường của mọi người – dù là người ở tiền tuyến hay ở hậu phương, cũng khiến họ trở thành huyền thoại. Trong phim, điều tôi muốn khắc họa là hình ảnh, từ vị tướng, các chiến sĩ nơi lửa đạn; đến người dân, trẻ em ở hậu phương… không ai muốn có chiến tranh; nhưng khi phải đối mặt với nó, không một ai thấy run sợ!”.​

Nhật Linh (Khampha.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *