Tin ngành

Phó Đức Chính: Vì Tổ quốc chết vinh quang

Sáng 22/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với dòng họ Phó tổ chức Tọa đàm: “Phó Đức Chính – Đại sự không thành chết là vinh! Và cuộc khởi nghĩa Yên Bái”

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh nhân Phó Đức Chính (1907 – 2017), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với dòng họ Phó tổ chức Tọa đàm khoa học: “Phó Đức Chính – Đại sự không thành chết là vinh! Và cuộc khởi nghĩa Yên Bái” tại nơi mà 87 năm về trước thực dân Pháp đã giam ông sau đó đưa lên Yên Bái để hành quyết nhằm thu thập thêm nhiều luận cứ khoa học và tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Phó Đức Chính, đặc biệt là thời gian ông và các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò cũng như ảnh hưởng của Khởi nghĩa Yên Bái trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Danh nhân Phó Đức Chính

Danh nhân Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình Nho học tại làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến), huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Ông học trường Cao đẳng Công chính Hà Nội. Khi còn là sinh viên, Phó Đức Chính thường nói với bạn bè về câu châm ngôn cuộc sống:

“Tố nhân bất khả hữu cao ngạo thái
Nhiên bất khả vô cao ngọa cốt”
(Làm người không được cao ngạo với mọi người – Tuy nhiên không thể không có cốt cách cao ngạo)

Với tinh thần yêu nước của mình, Phó Đức Chính đã tham gia và trở thành một trong những người thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, là một trong 5 thành viên lãnh đạo của Tổng bộ, phụ trách công tác tổ chức và phát triển đảng.

Các yếu nhân của Việt nam Quốc dân Đảng

Sau khi tốt nghiệp, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang Lào làm việc. Ngày 9/2/1929, Việt Nam Quốc dân Đảng cử Nguyễn Văn Viên ám sát trùm mộ phu Bazin ở Hà Nội. Thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lực lượng của Đảng bị tổn thất nặng nề, Phó Đức Chính cũng bị bắt đưa về nước. Không có bằng chứng để buộc tội nên chúng phải trả tự do cho ông.

Trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930), Phó Đức Chính được giao nhiệm vụ đánh đồn Thông (Sơn Tây). Do chênh lệch về lực lượng, tổ chức còn lỏng lẻo, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên cuộc Khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp phản công và dập tắt. Ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính bị kẻ địch bắt tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng cùng nhiều chiến sỹ khác cũng lần lượt bị sa vào tay giặc.

Với tinh thần quả cảm và yêu nước, Phó Đức Chính khảng khái trả lời và nhận trách nhiệm “cùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm việc trong Trung ương Đảng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng. Chính tôi đã đi tuyên truyền khắp các tỉnh để lấy đảng viên, và cũng tự tôi in những truyền đơn để cổ xúy phong trào cách mệnh”. Tinh thần yêu nước, dám làm dám chịu của các yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa khiến ai cũng phải thán phục.

Tọa đàm tập trung thảo luận làm rõ con người, thời gian bị địch bắt giam và sự hy sinh anh dũng của Danh nhân Phó Đức Chính

Ngày 27 và 28/3/1930, Phó Đức Chính cùng nhiều chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng bị đưa ra xét xử tại Hội đồng Đề hình Yên Bái. Khi chủ tọa hỏi có chống án không? Ông chỉ cười và đáp lại: “Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa làm chi?”.

Sau khi bị kết án tử hình, thực dân Pháp chuyển ông và các chiến sỹ về giam tại Nhà tù Hỏa Lò chờ ngày thi hành án. Ngày 16/6/1930, ông và 12 yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng bị áp giải lên nhà tù Yên Bái để hành quyết bằng máy chém vào rạng sáng ngày 17/6/1930.

Không những khước từ nghi lễ rửa tội, khước từ kháng án để xin ân xá, mà ông còn ghi tên mình vào danh sách những người tử tù hiên ngang bất khuất nhất trong lịch sử nhân loại, với lời đề nghị: “Cho ta nằm ngửa để ta nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp”. Và ông đã nhìn thẳng vào công cụ tội ác đó với ánh nhìn đầy dũng khí, trong khi những người chứng kiến giây phút bi hùng này không dám nhìn vào cái máy chém đang văng xuống đầu Phó Đức Chính. Chỉ kịp hô vang “Việt Nam vạn tuế” thì lưỡi máy chém tàn bạo đã hạ xuống thân thể người chiến sỹ. “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang”, ông đã ra đi trong tư thế hiên ngang đến giây phút cuối cùng.

Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở Văn hóa &Thể thao Hà Nội

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội khẳng định: “Buổi tọa đàm góp phần tưởng nhớ, tri ân người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Qua đó thu thập thêm nhiều luận cứ khoa học và thông tin, tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Danh nhân Phó Đức Chính, đặc biệt là thời gian ông và các thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, sau đó đưa lên Yên Bái xử tử hình. Gương hy sinh lẫm liệt của các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng trong đó có Phó Đức Chính, càng tô thắm thêm truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Phó Đức Chính trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò được du khách quan tâm

Huyền Nhâm

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *