Văn hóa cơ sở

Phú Xuyên phát huy nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống là nòng cốt trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện Phú Xuyên và là hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn phát triển làng nghề với du lịch ở đây.

Phú Xuyên là mảnh đất có trăm nghề, 100% thôn làng của Phú Xuyên đều có nghề, trong đó có 40 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, đứng thứ ba trong các địa phương của Thủ đô về số lượng làng có nghề. Ngành nghề ở Phú Xuyên phát triển đã thu hút, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động của địa phương. Đời sống nhân dân nơi đây ngày một cải thiện nhờ có nghề truyền thống.
Những làng nghề tiêu biểu của huyện Phú Xuyên như: Làng nghề đan cỏ tế xã Phú Túc – được hình thành từ thế kỷ 17; Làng thêu Đại Đồng – có từ năm 1871; Làng nghề Tò he Xuân La – được Hội Di sản văn hóa Việt Nam công nhận “Làng nghề Tò he duy nhất ở Việt Nam”; Làng nghề sơn mài truyền thống thôn Bối Khê hình thành từ thế kỷ 16; Làng nghề dệt lụa dệt lưới xã Quang Trung, Làng nghề da giày Phú Yên, làng nghề may comple xã Vân Từ – có từ đầu thế kỷ 20, Thôn Bái Đô có nghề làm nong, thôn Bái Xuyên có nghề đan bồ, thôn Hoàng Nguyên có nghề dệt vải, thôn Thao Nội có nghề làm ren từ lâu đời, rồi làng nghề đồ gỗ cao cấp Tân Dân và Văn Nhân v.v.Nhiều sản phẩm làng nghề của Phú Xuyên không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài như: Sản phẩm cỏ tế, mây giang đan xuất khẩu sang Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…; sản phẩm sơn mài, khảm trai xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Ba Lan…; sản phẩm dệt lưới chã xuất khẩu sang thị trường Campuchia; sản phẩm comple xuất khẩu sang Đông Âu…

Sản phẩm làng nghề may Vân Từ

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được huyện Phú Xuyên xác định là hướng trọng tâm và chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương mà làng nghề truyền thống là đơn vị cơ bản, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của huyện.
Thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã đầu tư, hỗ trợ cho làng nghề, tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống trên địa bàn phát triển bền vững, qua việc tổ chức tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các làng nghề ra thị trường, hỗ trợ vốn cho vay thông qua các tổ chức tín dụng, mở Lễ hội vinh danh làng nghề tại địa phương. Chính nhờ vậy mà các làng nghề của Phú Xuyên ngày một phát triển, đời sống nhân dân ngày một tăng lên. Bình quân thu nhập đầu người nay đạt trên 35 triệu đồng/ năm. Năm 2017, toàn huyện có hơn 24.500 hộ gia đình làm nghề với gần 40.000 lao động, ước mang lại giá trị sản xuất 4.550 tỷ đồng. Riêng với các làng có nghề truyền thống có thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với lao động thuần nông. Theo lãnh đạo huyện Phú Xuyên, huyện đang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm tăng từ 7 đến 7,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 51%. Thu nhập bình quân từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện từ 55 triệu đồng/người/năm trở lên; đồng thời hình thành và kết nối được một số tuyến du lịch làng nghề…

Nghề nặn tò he ở Phú Xuyên

Gắn phát triển làng nghề với du lịch, Phú Xuyên đã xây dựng và giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế 7 nghề truyền thống gồm: May (Vân Từ); Mộc (Tân Dân); Da giầy (Phú Yên); Khảm trai, sơn mài (Chuyên Mỹ); Tò he (Phượng Dực); đan cỏ tế (Phú Túc). Từ nhiều năm nay, Phú Xuyên đã tổ chức các Lễ hội vinh danh làng nghề vừa để khuyến khích sản xuất tiểu thủ công nghiệp, vinh danh làng nghề vừa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và thu hút khách du lịch tìm đến địa phương. Từ đầu năm đến nay, huyện Phú Xuyên đã đón trên 300 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số gần 6.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu làng nghề.

Thanh – Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *