Di sản – Bảo tồn

Quận Đống Đa: Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội

Đống Đa là một quận trung tâm của thành phố có nhiều di tích, lễ hội đã được xếp hạng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, lễ hội luôn được quận Đống Đa chú trọng…

Trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa

Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa, hiện địa phương có 76 di tích lịch sử, văn hóa và 16 lễ hội truyền thống tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. Trong số này 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Gò Đống Đa; ngoài ra quận còn có 49 di tích cấp Quốc gia, 15 di tích cấp thành phố…

Tuy nhiên, do những lý do khách quan và chủ quan, một số di tích chưa được quan tâm đúng mức, một số di tích lại có hiện tượng tự ý xây dựng thêm công trình, bổ sung thêm đồ thờ tự mới không đúng quy định. Vì vậy kiến trúc truyền thống bị sai lệch trong quá trình tôn tạo, sửa chữa. Tại một số di tích và lễ hội việc quản lý nguồn công đức, nguồn đầu tư di tích bằng xã hội hóa còn nhiều lúng túng.

Năm 2019, quận Đống Đa đặt ra nhiều chỉ tiêu, nổi bật là các chỉ tiêu: 100% các phường hoàn thành việc kiện toàn Ban Quản lý di tích; xây dựng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Ban Quản lý di tích…

Từ nay đến năm 2020, quận Đống Đa phấn đấu 100% các di tích chưa xếp hạng được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học, làm căn cứ đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng; nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất cấp có thẩm quyền nâng hạng một số di tích tiêu biểu; nghiên cứu, xây dựng kịch bản cho một số lễ hội tiêu biểu trên địa bàn quận. Tiếp theo, năm 2025 quận sẽ hoàn thành công tác tổng kiểm kê di tích, di vật, phân loại, hoàn thiện hồ sơ khoa học. Đến 2030, hoàn thiện hồ sơ pháp lý (cắm mốc giới, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ) cho từng di tích, di vật đưa vào lưu trữ (số hóa dữ liệu về di tích) phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị. Từ nay đến 2030, 100% các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng được tu bổ và tôn tạo, ưu tiên các di tích về lịch sử cách mạng và kháng chiến.

Để thực hiện được những chỉ tiêu đã đề ra, việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn quận Đống Đa từ nay đến 2025 và định hướng đến năm 2030 được cho là cần thiết và cấp bách. Vì vậy, hệ thống di tích lịch sử-văn hóa trong quận đã được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật. Các di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ khá nghiêm ngặt.…

Cùng với đó, quận đã đề ra những giải pháp trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di tích, lễ hội gắn với. Để làm tốt việc đó, trước mắt địa phương sẽ tập trung vào việc tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, lễ hội bằng các hình thức đa dạng như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và quận; phát hành các ấn phẩm giới thiệu về di tích, lễ hội… Đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của từng di tích, lễ hội trên địa bàn. Phối hợp với các điểm di tích và các nhà trường tổ chức cho học sinh đi tìm hiểu, làm tình nguyện tại các di tích…Quận cũng tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân để đón nhận những ý kiến phản biện, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích và lễ hội trên địa bàn…

Ngoài việc đề ra những mục tiêu, giải pháp, quận Đống Đa cũng sẽ xây dựng và ban hành quy chế quản lý các di sản văn hóa trên địa bàn quận; kiện toàn hồ sơ xếp hạng di tích; lập các danh mục, hoàn thiện hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng và nâng hạng; xây dựng hồ sơ khoa học, đánh giá giá trị toàn bộ các di vật, đồ thờ tại di tích phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và quảng bá cũng như giới thiệu các di tích.…

Quỳnh Anh

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *