Văn hóa cơ sở

Quận Hà Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″, Quận ủy Hà Đông xây dựng Kế hoạch số 131-KH/QU triển khai trên địa bàn quận.

Quận ủy Hà Đông đề ra mục tiêu chung là phát triển CNVH đi đôi với hình thành và hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, phát huy cao nhất lợi thế của quận. Phát triển CNVH gắn với thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy tối đa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc hiện có trên địa bàn quận như lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa, các loại hình nghệ thuật hát ca trù, hát chèo. Phát triển CNVH gắn với phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch. Đưa du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của quận, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh và con người quận Hà Đông…

Phát triển CNVH gắn với thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy tối đa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc hiện có trên địa bàn quận. Ảnh minh họa

Quận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng Hà Đông là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” về du lịch, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đầu tư phát triển du lịch làng nghề truyền thống kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái trên địa bàn quận. Xây dựng các tour tuyến du lịch kết nối giữa các phường có di tích và làng nghề trên địa bàn quận như Vạn Phúc – Kiến Hưng – La Khê – Thượng Mạo, Phú Lương… Tổ chức Tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề tại các phường có làng nghề. Đầu tư phát triển hạ tầng, dự án dịch vụ du lịch ở các khu vực có tiềm năng, thế mạnh gắn với quy hoạch phát triển chung của thành phố và quận. Đầu tư nâng cấp chất lượng, phát triển sản phẩm làng nghề, các điểm mua sắm, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Xây dựng các tuyến phố văn minh thương mại, tuyến phố đi bộ… Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Quận đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tiếp tục thúc đẩy phát triển CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng. Quận sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận nghề dệt lụa Vạn Phúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Duy trì phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, ẩm thực,… Tiếp tục rà soát bố trí quỹ đất xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho quận và Thủ đô, có tiềm năng phát triển CNVH gắn với du lịch. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao; hệ thống thiết chế văn hóa đảm bảo đồng bộ. Phát huy tối đa giá trị các di tích, các loại hình văn hóa phi vật thể.

Đầu tư phát triển du lịch làng nghề truyền thống kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái trên địa bàn quận. Ảnh minh họa

Để thực hiện thành công các mục tiêu, Quận ủy Hà Đông đề ra 8 giải pháp trọng tâm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về CNVH; Tập trung thực hiện cơ chế chính sách về văn hóa; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Phát triển thị trường CNVH; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; Tham gia xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO… góp phần thúc đẩy phát triển CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng của quận Hà Đông.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *