Văn hóa cơ sở

Quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

Nhân dịp này, quận Hai Bà Trưng trao tặng 50 suất quà trị giá 13 triệu đồng để tri ân các nhân chứng lịch sử, người có công gặp khó khăn trên địa bàn quận.

Sáng 19/12/2022, Quận ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, giao lưu, gặp mặt truyền thống với nhân chứng lịch sử. Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo quận và hơn 300 đại biểu là các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử .

Dâng hương, hoa tại Tượng đài chiến thắng Vân Đồn

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền,  Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng trình bày diễn văn khai mạc đã điểm lại những dấu mốc quan trọng của sự kiện lịch sử Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng năm 1972, có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Trong Hà Nội mùa đông năm 1972 đã chứng kiến 12 ngày đêm khói lửa trong trận chiến “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Trải qua 12 ngày đêm khốc liệt, quân và dân miền Bắc đã hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B52, đồng thời đã đánh gục ý đồ của Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris vào ngày 27/1/2973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho Cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Quận Hai Bà Trưng vinh dự có 3 địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử vĩ đại này, bao gồm:

Thứ nhất là, Trận địa súng phòng không 14,5mm Vân Đồn, phường Bạch Đằng. Vào hồi 21 giờ 45 phút ngày 22/12/1972, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm – Hai Bà Trưng gồm 5 khẩu đội tự vệ của 3 đơn vị: Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Xí nghiệp gỗ 42 Hà Nội đã bắn hạ 1 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại F111A của Mỹ, xác máy bay rơi tại Lương Sơn, Hoà Bình, du kích địa phương bắt sống được 2 phi công Mỹ. Ngày 23/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó là Nguyễn Văn Trân và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội là Trần Duy Hưng đã tới thăm các chiến sỹ dân quân tự vệ trận địa Vân Đồn, đồng thời khen ngợi: “Các đồng chí chiến đấu rất dũng cảm. Đó là niềm tự hào đối với dân quân Hà Nội”. Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm – Hai Bà Trưng đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba. Năm đồng chí được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Năm 1993, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng phù điêu mô tả chiến công này tại khu vực trận địa Vân Đồn và đến năm 2002 lại có kế hoạch nâng cấp, tu bổ, tôn tạo cảnh quan xung quanh. Phù điêu được chỉnh trang làm bằng chất liệu bền vững, hiện đại, với hình ảnh các chiến sĩ tự vệ hiên ngang bên các ụ súng, đầu ngẩng cao trong tư thế “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, góc phải là chiếc máy bay rơi, tượng trưng cho sự thất bại nhục nhã của kẻ thù, cùng với một tấm bia đá granít màu hồng khắc chìm chữ vàng ghi lại chiến công của các khẩu đội tự vệ. Hiện nay, địa điểm này đang được UBND phường Bạch Đằng bảo quản chu đáo để tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Tiết mục văn nghệ tại Chương trình kỷ niệm

Địa điểm thứ hai đó là trận địa súng máy phòng không tự vệ Nhà máy dệt 8/3 (nay là Công ty dệt 8/3). Nơi đây, vào hồi 13 giờ ngày 13/3/1968 – khẩu đội 1 đã bắn rơi một chiếc máy bay trinh thám “không người lái 47H” của địch. Đây là đơn vị tự vệ thứ hai của Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ. Chiến công xuất sắc này đã góp phần cùng nhân dân Thủ đô đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, tạo bước chuyển quan trọng đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi. Năm 2002, tại khuôn viên của Công ty Dệt 8/3, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng và các ngành, các cấp xây dựng phù điêu và tổ chức gắn biển để ghi dấu chiến công này. Đây là niềm tự hào rất lớn của Công ty, có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ công nhân, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tặng quà tri ân các nhân chứng lịch sử, người có công gặp khó khăn trên địa bàn 

Địa điểm thứ ba, đó là Sở chỉ huy Phòng không – số 4 Yec-xanh, phường Phạm Đình Hổ. Nơi đây đã trở thành trung tâm chỉ huy đánh địch và phát lệch báo động, báo yên, sơ tán, khắc phục hậu quả của chiến tranh… của Bộ Tư Lệnh Thủ đô và Hội đồng phòng không nhân dân Thành phố. Lời thông báo thân thuộc từ đây phát đi: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!…” đã thực sự đi sâu vào tâm khảm người Hà Nội trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ Thủ đô, trái tim của cả nước.

Cùng với các di tích lịch sử văn hóa khác trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, những địa điểm trên đã thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần làm nên truyền thống cách mạng của “Thủ đô anh hùng” trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế.

Trong phần giao lưu với nhân chứng lịch sử, ông Chu Hà Châu, cựu chiến binh phường Bạch Mai đã chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ của người lính được tham gia trực tiếp chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ông Châu vốn là lính Trung đoàn 212 pháo cao xạ 57 ly thuộc Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không – Không quân. Tháng 12 năm 1972, ông và 05 đồng chí được Trung đoàn giao cho một khẩu súng Phòng không 14,5 ly, 4 nòng, thay phiên nhau trực chiến ngày đêm ở ụ súng trên bờ đê sông Đuống để tham gia bắn máy bay bay thấp theo dòng sông Đuống…

Nhân dịp này, quận Hai Bà Trưng trao tặng 50 suất quà trị giá 13 triệu đồng để tri ân các nhân chứng lịch sử, người có công gặp khó khăn trên địa bàn quận.

Trước cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng, lãnh đạo Quận ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng và Nhân dân quận đã thành kính dâng hương, hoa tại Phù điêu lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến – Chiến lũy Ô Cầu Dền – Trụ sở HĐND-UBND quận và tại Tượng đài chiến thắng Vân Đồn (số 564, đường Bạch Đằng).

Chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “ Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” để nhắc nhớ một tượng đài chiến đấu lịch sử hào hùng. Qua đó, giúp các tầng lớp Nhân dân thêm tin tưởng, tự hào về Đảng ta, một Đảng mác xít kiên cường, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn của sức mạnh nội lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hoàng Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *