Văn hóa cơ sở

Quận Tây Hồ: Hiệu quả thực hiện Chương trình 03 về phát triển văn hóa xã hội

5 năm qua, thực hiện Chương trình 03 của Quận ủy về “Phát triển văn hóa xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội trên địa bàn quận giai đoạn 2010-2015”, hệ thống di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu […]

5 năm qua, thực hiện Chương trình 03 của Quận ủy về “Phát triển văn hóa xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội trên địa bàn quận giai đoạn 2010-2015”, hệ thống di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây mới và hoạt động ngày càng hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc và giáo dục trẻ em, khuyến học, khuyến tài… được đẩy mạnh từ quận tới cơ sở, tới từng khu dân cư đã góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của cộng đồng.

Chua Tran QuocChùa Trấn Quốc- một điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

5 năm liên tiếp, năm nào cũng có hơn 80% đơn vị của quận đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”, hơn 80% tổ dân phố đạt danh hiệu “Văn hóa – sức khỏe”, hơn 90% hộ đạt “Gia đình văn hóa”. Đáng chú ý là việc thực hiện “Cưới văn minh, tang tiến bộ”, hầu hết các đám cưới tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm; tỷ lệ hỏa táng năm 2014 đạt tới 77,5%. Tây Hồ cũng đã xây dựng thành công phường Quảng An và phường Nhật Tân thành “Phường văn hóa” đầu tiên của Thành phố và cũng tích cực xây dựng các mô hình điểm như “Chùa tinh tiến”, “Xứ họ đạo tiên tiến”, “Câu lạc bộ văn hóa trẻ”; Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với Cách mạng. Hàng năm quận và các phường có kế hoạch, biện pháp thiết thực để trợ giúp hộ nghèo; quan tâm giúp đỡ hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các hộ chính sách. Trong 4 năm, quận đã giảm 147 hộ nghèo, hiện nay quận còn 73 hộ nghèo…Với cách làm sáng tạo, thiết thực, hợp lòng dân, Chương trình 03 của quận đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực ủng hộ. Dần dần, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội được nâng cao, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức rèn luyện, trách nhiệm trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa. Cùng với đó, ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện được cổ vũ, khuyến khích, thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong các lĩnh vực đời sống hằng ngày.

Để có được những kết quả trên, bên cạnh việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, Tây Hồ đã dành mối quan tâm đặc biệt để củng cố các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Bên cạnh một trung tâm văn hóa đạt chuẩn, quận đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp Trung tâm thể dục thể thao với sân vận động đạt chuẩn quốc tế từ nguồn vốn xã hội hóa kết hợp ngân sách quận đầu tư trị giá gần 13 tỷ đồng, đủ đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện thể dục thể thao lớn. Toàn quận có 66 câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao, thu hút đông đảo người dân sinh hoạt, rèn luyện. 7/8 phường có nhà văn hóa, 8/8 phường có thư viện và tủ sách pháp luật, 62/91 khu dân cư có phòng đọc, toàn quận có 81 nhà sinh hoạt khu dân cư và 24 sân chơi công cộng… Trong 5 năm, quận đã đầu tư gần 224 tỷ đồng xây mới, mở rộng, cải tạo 47 trường học. Đặc biệt, để các thiết chế trên địa bàn quận đều được khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, quận đã thực hiện các chuyên đề “Xây dựng và nâng cao chất lượng phòng đọc khu dân cư”, “Nâng cao chất lượng hoạt động của CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận”, tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm, tìm giải pháp để người dân gắn bó với các thiết chế văn hóa.

SVD quan Tay HoSân vận động quận Tây Hồ đạt chuẩn quốc tế.

Những thành công bước đầu của mô hình phường văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Tây Hồ đang nhân rộng mô hình này tại 6 phường còn lại. Bên cạnh đó, 2 phường Quảng An và Nhật Tân tiếp tục củng cố mô hình, tiến tới xây dựng phường văn minh đô thị với những tiêu chí cụ thể và thực chất, ngay từ những việc nhỏ nhất như đường, ngõ phố sạch sẽ, phong quang. Đây là cơ sở vững chắc giúp người dân xây dựng và duy trì cộng đồng văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, đề cao các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng như phát triển các giá trị văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đây cũng chính là nền tảng giúp Tây Hồ phát triển bền vững.

Tùng Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *