Di sản – Bảo tồn

Sử dụng cổng đình Tây Đằng phải phù hợp, hài hòa với giá trị di tích

Sau khi nhận được công văn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc thay cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, ngày 8/3, Cục Di sản (Bộ VHTTDL) đã ban hành công văn số 133/DSVH-DT về việc nghiên cứu sử dụng cổng đình, đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.

Liên quan đến sự việc di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (TP. Hà Nội) bị thay thế cổng không phù hợp với cảnh quan, ngày 4/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 499/SVHTT-QLDT gửi Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) và UBND huyện Ba Vì.

Cổng đình Tây Đằng bị thay cánh cổng sắt không phù hợp. Ảnh: Nguyễn Đức Bình.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở VHTT Hà Nội, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các phòng ban, ngành chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra khẩn cấp hiện trạng tại di tích đình Tây Đằng. Qua kiểm tra cho biết, thị trấn Tây Đằng đã tự ý thay hai cánh cổng bảo vệ tại hạng mục nghi môn, lý do là cánh cổng cũ bằng sắt đã cũ, bị hoen gỉ, gãy bản lề, BQL di tích phải kiên cố bằng dây thép. Việc thay thế không báo cáo cơ quan chuyên môn và UBND huyện.
UBND huyện Ba Vì yêu cầu UBND thị trấn Tây Đằng, các phòng, ban chức năng của huyện chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành hạ giải hai cánh cổng mới, lắp trả lại hai cánh cổng cũ đảm bảo hiện trạng ban đầu; đồng thời đề xuất phương án tu sửa hoặc thay thế, trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Ngày 8/3, Cục Di sản Văn hóa đã có công văn số 133/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc thay cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình, đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; kết hợp tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di sản văn hóa, nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ di tích nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *