Di sản

Thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hòe Nhai, quận Ba Đình

Ngày 1/10/2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 3611/BVHTTDL-DSVH gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hòe Nhai, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình.

Di tích chùa Hoè Nhai. Ảnh: Internet.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hòe Nhai, số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, hạng mục điều chỉnh nhà Giảng đường.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý việc nghiên cứu giảm chiều cao công trình hạng mục nhà Giảng đường để đảm bảo tương quan chung với các công trình xung quanh, đặc biệt là các công trình có sẵn trong khuôn viên chùa theo hướng: tầng 1 giảm chiều cao thông thủy từ 3,9m xuống 3,6m, tầng áp mái giảm chiều cao thông thủy từ 2,83m xuống 2,53m; Sử dụng đề tài “sắc không” để trang trí trên các cửa sổ (không trang trí đề tài “chữ Thọ”).

Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý không đắp kìm bờ nóc và không thiết kế “hổ phù” đắp trên hai đầu hồi công trình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND thành phố Hà Nội biết và chỉ đạo cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ Dự án, công bố công khai nội dung điều chỉnh để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Chùa Hòe Nhai có từ thời Lý, tên chữ Hồng Phúc Tự, ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày nay, chùa Hòe Nhai là một trong những di tích, danh thắng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng. Chùa là chốn tổ của phái Tào Động – một thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam có từ thế kỷ XVII. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như: 28 tấm bia chứa đựng nhiều tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, khánh đồng lớn đúc năm Giáp Dần niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), cao 1m, rộng 1,5m… Giữa phố cổ tấp nập, di tích chùa Hoè Nhai như một chốn thoáng đãng, tĩnh lặng cửa thiền để tĩnh tại và suy ngẫm.

VH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *