Triển lãm

Trưng bày trực tuyến gần 200 tài liệu, hiện vật về di tích nhà và hầm D67

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức trưng bày triển lãm “Chung một con đường” dưới hình thức trực tuyến nhằm giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu về di tích cách mạng nhà và hầm D67.

Triển lãm làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; nhấn mạnh sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng từ Tổng Hành dinh đến khắp các mặt trận, vào những thời khắc quan trọng nhất của cách mạng miền Nam. Những quyết sách đó đã tạo thế và lực quan trọng cho cách mạng miền Nam toàn thắng, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

Hội Nghị Bộ chính trị mở rộng (18/12/1974 – 8/1/1975)

Triển lãm trưng bày, giới thiệu gần 200 tài liệu, một số hiện vật tiêu biểu và tiểu sử của 24 vị đại biểu, lãnh đạo tiêu biểu góp phần cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Triển lãm giúp khách tham quan tìm hiểu thêm về giá trị và ý nghĩa lịch sử của Di tích cách mạng Nhà D67 gắn với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975.

Ngày 14/4/1975 Tại Tổng Hành dinh (Nhà D67), Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nhà và hầm D67 là một di tích lịch sử – cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1968 – 1975, nơi đây đã trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về quyết sách chiến lược đối với cách mạng miền Nam.

Triển lãm phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4.

V.H

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *