Di sản – Bảo tồn

Tu bổ, tôn tạo di tích đình Linh Quy, huyện Gia Lâm

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thỏa thuận về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. 

Sau khi nghiên cứu hồ sơ Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Linh Quy và Tờ trình số 205/TTr-UBND ngày 04/10/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị thẩm định Dự án và Biên bản thống nhất ý kiến Nhân dân về phương án tu bổ, tôn tạo di tích đình Linh Quy ngày 15/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Linh Quy, nội dung: Tu bổ Nghi môn, Tiền tế, Thiêu hương, Đại bái, Hậu cung; tôn tạo Tả mạc, Hữu mạc, nhà bia liệt sỹ; xây dựng am hóa sớ, nhà phụ trợ (thủ từ, bếp, vệ sinh), sân vườn, tường rào (bao gồm Tả môn, Hữu môn hai bên Tiền tế) và hạ tầng kỹ thuật.

Đình Linh Quy

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Đối với Thiêu hương, Đại bái, Hậu cung: Cần bảo tồn tối đa các cấu kiện, thành phần kiến trúc: Gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ cổ, cũ còn tốt, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá sau hạ giải di tích; tái sử dụng tối đa ngói cũ, tái định vị các chi tiết bằng đá (chân tảng, bó thềm…); gông bó để bảo quản, lắp dựng lại con giống và các chi tiết nề ngõa có giá trị nghệ thuật; Bảo tồn nguyên vẹn các thành phần trang trí có chạm khắc ở bẩy, cốn…, chỉ tu bổ, gia cố các cấu kiện này; Có phương án tận dụng các viên ngói cũ để tái sử dụng; Bổ sung phương án bảo quản, tu bổ và giữ gìn các đồ thờ tự;  Đối với Tả môn, Hữu môn: Chỉ làm 02 trụ (không làm theo dạng cổng hộp), phía trên tạo hai lớp mái và chương cửa, chiều cao tối đa 4m.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đình Linh Quy thờ thần hoàng làng là Nguyễn Biểu, vị quan cuối triều Trần được nói đến nhiều trong sử sách. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đình Linh Quy hiện còn lưu giữ được nhiều di vật qúy với nhiều chất liệu khác nhau đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử làng xã và các loại hình văn hoá dân gian như một cuốn thần tích xã Linh Quy (hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm), hệ thống tám sắc phong được các triều vua ban, sắc sớm nhất là năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), muộn nhất là sắc phong năm Khải Định 9 (1924), đồ gỗ với một đôi câu đối nội dung ca ngợi công đức của vị trung thần có công với dân với nước, một y môn gỗ, đôi lọ độc bình, một choé đựng nước…

Trên cơ sở những giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật cũng như những giá trị về mặt lịch sử đình Linh Quy đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1996.

V.H

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *