Tin tức - Sự kiện

Từng bước xây dựng nét văn hóa tiêu dùng của người Thủ đô

 3 tháng đầu năm 2017, thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã  hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức: kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm, giá cả […]

 3 tháng đầu năm 2017, thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã  hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức: kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm, giá cả hàng hóa thế  giới vẫn ở mức thấp cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đã tác động đến kinh tế nước ta.

Trước những thuận lợi và khó khăn đó, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện việc thực hiện kế hoạch năm 2017.  Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ban chỉ đạo cuộc vận động  đã chỉ đạo  các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên, ban chỉ đạo các quận,  huyện, thị xã tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú: qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, tọa đàm, hội thảo, hội nghị… qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong việc hưởng ứng cuộc vận động.

Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố phát biểu tại hội nghị giao ban Ban chỉ đạo  quý I năm 2017

Thực hiện chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn giá, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, tiêu biểu như tổ chức Hội chợ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với 5 hội chợ hàng Việt, 1 chợ tết, 22 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt, 190 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 60 điểm chợ hoa xuân trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức tuần hàng Sơn La tại Hà Nội; tổ chức hội nghị triển khai hợp tác, phát triển lĩnh vực công thương, thông tin hội chợ, hội nghị giao thương tại các tỉnh, thành phố tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch liên kết vùng; tổ chức đoàn tham gia Hội chợ quốc tế thủ công mỹ nghệ tại Singapore…Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Tiêu biểu như huyện Ba Vì, 11 xã đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức 28 chuyến bán hàng lưu động; huyện Thạch Thất tổ chức tuần hàng Việt tại xã Bình Phú với 110 gian hàng; huyện Thanh Trì tổ chức 6 điểm bán hàng bình ổn giá…

Thực hiện Cuộc vận động, các doanh nghiệp tiếp tục được thành phố quan tâm, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội Nông dân thành phố tổ chức ký kết  thực hiện chương trình phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ trong việc liên kết, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm sạch, có uy tín chất lượng. Hội đã  phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công ghệ và các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh việc  nghiên cứu, giúp đỡ, tạo điều kiện để nông dân xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tiêu biểu. Ban chỉ đạo cuộc vận động các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng nông thôn trên địa bàn dân cư; đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Tiêu biểu như huyện Đông Anh đã thực hiện hoàn thành xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng” và “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”. Quận Nam Từ Liêm tổ chức thành công Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn quận năm 2017, xây dựng 11 điểm bán thực phẩm an toàn…

Trong 3 tháng đầu năm 2017, việc  đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục được triển khai có hiệu quả với nhiều hoạt động thiết thực: Sở Công thương đã tổ chức ngày hội sản phẩm, hàng hóa “Vì người tiêu dùng” với quy mô 60 gian hàng; tổ chức Tuần lễ tri ân người tiêu dùng tại gần 50 điểm thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, hàng hóa uy tín trên địa bàn thành phố. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức 45  gian hàng giới thiệu các sản phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của thành phố. Tổng Công ty thương mại Hà Nội tổ chức 170 điểm bán hàng lẻ, 190 gian hàng ngoài trời theo mô hình Quầy hàng Tết… Chi cục Quản lý thị trường đã chủ động triển khai có hiệu quả công tác kiểm ta, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận, tạo sự ổn định và phát triển của thị trường, bình ổn giá cả đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 2.393 vụ, xử lý 2.356 vụ, tổng số tiền xử lý gần 43,23 tỷ đồng (trong đó trị giá hàng hóa tiêu hủy là hơn 11,76 tỷ đồng).

Tích cực tuyên truyền, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

 Với sự chỉ đạo sâu sát và toàn diện của ban chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, trong quý I năm 2017, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  đã tạo sức lan toả, từng bước xây  dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, người Thủ đô nói riêng. Các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong 9 tháng cuối năm 2017, Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều nội dung thiết thực; tăng cường công tác tôn vinh, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; tổ chức tốt việc đưa hàng Việt đến người tiêu dùng…

Minh Huệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *