Di sản

Văn Miếu – Quốc Tử Giám hướng tới sự phát triển bền vững

Ngày 28/6/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (số 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) là điểm du lịch cấp Thành phố.

Di tích lịch sử quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm.

TS Lê Xuân Kiêu – GĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, đây là một tin vui đối với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám – đơn vị quản lý khu di tích. Quyết định này đã thể hiện sự quan tâm của Thành phố đối với di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hướng tới việc đưa di tích trở thành điểm du lịch chất lượng cao, đồng thời khẳng định những kết quả mà Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đạt được trong thời gian qua trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Từ một phế tích hoang vắng, giờ đây Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một trong những điểm đến thu hút số lượng lớn du khách của thủ đô Hà Nội, lên tới hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm.

Cùng với sự đổi mới, chuyển mình của thành phố Hà Nội, trong những năm gần đây, Trung tâm đã đổi mới tư duy theo hướng phục vụ du khách, đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn thông qua hàng loạt các việc làm cụ thể, thiết thực như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; đa dạng hóa các hoạt động; xây dựng các hạng mục phụ trợ và sử dụng công nghệ cho phát huy giá trị của di tích.

Năm 2018, Trung tâm đã cho ra mắt hệ thống các biển chỉ dẫn, biển thông tin và phòng vé mới. Hệ thống biển chỉ dẫn được lắp đặt từ cửa vào Văn Miếu cho đến khu Thái Học, bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, bao gồm chỉ dẫn phân luồng đường đi cho khách du lịch, chỉ dẫn hiện vật. Hệ thống biển thông tin bằng 3 ngôn ngữ cung cấp cho khách tham quan những thông tin cơ bản, hữu ích về di tích. Tất cả các sản phẩm này đều hiển thị logo của Văn Miếu – Quốc Tử Giám để nhận diện di tích. Logo được thiết kế hiện đại, đơn giản, lấy cảm hứng từ những nền tảng truyền thống và bản sắc tạo ấn tượng, như mở ra những cơ hội giao tiếp mới, bền lâu với thế giới bên ngoài để hòa nhập và phát triển. Các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục dục tổ chức thường xuyên tại di tích đã tạo nên sức sống và sự hấp dẫn của di tích.

Trong hai năm 2017 và 2018, Trung tâm đẩy mạnh việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách như: xây mới và nâng cấp các nhà vệ sinh, với trang thiết bị hiện đại, đặc biệt có phòng dành riêng cho người khuyết tật; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống thu gom rác thải, nước thải hợp lý, sạch sẽ; các biện pháp phòng, chống cháy nổ được lắp đặt theo đúng quy định; hệ thống camera được lắp đặt trực 24/24 bảo đảm an ninh; ghế ngồi ngoài sân vườn được bố trí hợp lý, rộng rãi, thoáng mát…

Cũng trong năm 2018, hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ được đưa vào sử dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, khẳng định việc sử dụng công nghệ trong hoạt động phát huy giá trị di tích là đúng đắn, hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, với đội ngũ hướng dẫn viên 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung chuyên nghiệp, nhiệt tình với công việc cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách, đặc biệt là các đoàn khách nguyên thủ các nước khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Về những nhiệm vụ của Trung tâm triển khai thực hiện Quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của di tích trên cơ sở những giá trị của di tích, cả trên phương diện vật thể và phi vật thể. Đặc biệt là hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hướng tới sự phát triển bền vững của một di sản, một điểm du lịch chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội”.

VM

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *