Nghệ thuật

Vở cải lương Chiếc áo thiên nga tái hiện chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy

“Chiếc áo thiên nga” vở diễn mới nhất của Nhà hát Cải lương Việt Nam một lần nữa tái hiện câu chuyện tình yêu Mỵ Châu – Trọng Thủy gắn với truyền thuyết về thành Cổ Loa. Đây cũng là một trong hai vở diễn của Nhà hát đang góp mặt tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đang diễn ra tại Long An trong những ngày đầu tháng 9/2018 này.

Trước khi có đêm diễn tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018, Chiếc áo thiên nga đã có một số đêm diễn phục vụ khán giả tại Thủ đô Hà Nội cũng như Bắc Ninh và được đông đảo người xem đón nhận. Kịch bản này của tác giả Lê Duy Hạnh đã từng được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng với mức đầu tư lớn gây tiếng vang trong giới sân phía Nam. Và giờ đây Chiếc áo thiên nga được nữ đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam với kịch bản chuyển thể cải lương của Phạm Ngọc Chi.

Theo như truyền thuyết thì vua nước Nam Việt tại xứ Phiên Ngung là Triệu Đà nhiều lần đem quân sang đánh chiếm Âu Lạc nhưng đều bị quân của Thục Phán An Dương Vương đánh bại. Vì vậy Triệu Đà đã bày ra mưu kế cho Trọng Thủy, con trai mình kết duyên cùng con gái Mỵ Châu của An Dương Vương. Mối duyên này nhằm mục đích để Trọng Thủy nắm được bí mật quân sự của Âu Lạc để giúp Triệu Đà đánh chiếm nước này. Khi đã đã nắm được “bí quyết”, Triệu Đà một lần nữa mang quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương thất bại cùng Mỵ Châu lên ngựa tháo chạy, trên đường đi được thần Kim Quy báo cho biết người phản bội là cô con gái sau lưng. Mỵ Châu chết bên bờ biển và mối tình của nàng và Trọng Thủy vẫn luôn được người đời sau nhắc đến. Với kịch bản này, tác giả chuyển thể cải lương Phạm Ngọc Chi đã có một số thay đổi, thay vì Trọng Thủy đánh cắp bí quyết nỏ thần và trống đồng thì nay lỗi này được giao cho tướng quân Nhan Tấn. Viên đại thần của Triệu Đà này đã tìm mọi cách để có được bí mật quân sự, kể cả việc “ru ngủ” khiến cho An Dương Vương quyết định giải tán đội quân cung nỏ và quên đi tiếng trống đồng mặc cho sự can gián của tướng quân Cao Lỗ. Khi quân Triệu Đà vây đánh thành, tướng quân Cao Lỗ là người đã trúng cung nỏ khi chặn đường cho cha con An Dương Vương tháo chạy.

Đặc biệt, với bản dựng của NSND Hoàng Quỳnh Mai, câu chuyện tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thủy được khắc họa một cách sâu sắc và đầy tính nhân văn. Trọng Thủy vì thực hiện âm mưu của cha mà kết duyên cùng Mỵ Châu, tuy nhiên khi gặp người con gái Âu Lạc, trái tim của Trọng Thủy đã thực sự dành tình yêu thương cho Mỵ Châu. Và trong tâm can không muốn quay trở về Phiên Ngung nhưng dưới sự thúc giục của Nhan Tấn, cuối cùng Trọng Thủy phải chấp nhận trở về. Theo sự sắp đặt của cha, Trọng Thủy buộc phải kết duyên cùng Hoàng Dung, con gái một cận thần thân thiết của Triệu Đà nhưng trong lòng Trọng Thủy vẫn không nguôi thương nhớ Mỵ Châu. Để rồi cuối cùng, dù biết Hoàng Dung đang mang cốt nhục của mình nhưng Trọng Thủy vẫn quyết tâm trở lại Âu Lạc theo lời hứa hẹn với Mỵ Châu…

Dưới bàn tay dàn dựng của nữ đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, Chiếc áo thiên nga đã mang lại cho người xem nhiều xúc cảm với nhiều cảnh diễn ấn tượng. Đó là cảnh Trọng Thủy và Mỵ Châu tâm đầu ý hợp trong đêm trăng nơi đầm sen hương thơm ngát với hình ảnh con thuyền như nửa vầng trăng sáng lung linh. Lời ca của cảnh diễn cũng dạt dào cảm xúc: Mặt nước hồ chứng kiến đàn thiên nga hò hẹn, một con mất đi, con còn lại thiết gì sự sống… Hay cảnh Trọng Thủy chia tay Mỵ Châu khi rời Âu Lạc…cũng để lại cho người xem nhiều xúc động. Việc luôn xuất hiện hình ảnh những chiếc lông thiên nga, lúc là trang trí sân khấu, lúc là những chiếc lông được Mỵ Châu dứt ra từ chiếc áo thiên nga trắng, lúc màu đen, lúc màu trắng, có lúc lại được nhân cách hóa bằng hình ảnh một vũ đoàn múa … đã khiến cho không gian sân khấu trở nên lung linh, huyền ảo và làm bật lên chủ đề của vở diễn.

Đặc biệt bên cạnh về truyền thuyết nỏ thần, việc đưa vào vở diễn vai trò của tiếng trống đồng như là một “bí quyết quân sự” của Âu Lạc là một sáng tạo của nữ đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai. Và như lời chia sẻ của chị thì: Nỏ thần chỉ là trong truyền thuyết nên chúng ta được quyền nhìn bằng nhiều góc khác nhau, lung linh và thi vị hóa. Mất nỏ thần hay bị đánh tráo trống đồng cũng như đánh mất văn hóa, mất đoàn kết, mất lòng yêu nước và tinh thần độc lập tự cường. Như vậy thì sẽ bị mất nước…

Chiếc áo thiên nga với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam: NSƯT Mạnh Hùng, Thùy Dung, Tuấn Thanh, NSƯT Trọng Bình, Hoa Mai… Hy vọng đây là vở diễn sẽ được Nhà hát biểu diễn thường xuyên phục vụ đông đảo công chúng yêu sân khấu chứ không đơn thuần chỉ là vở diễn Nhà hát dàn dựng để tham gia một kỳ Liên hoan sân khấu.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *