Tin ngành

Xây dựng quan hệ công – tư trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo

Chiều 24/6, tại Hà Nội, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình trực tuyến tổng kết Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam (2018-2021).

Đây là sự kiện nhìn lại ba năm thực hiện dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam (2018 – 2021), một dự án nhằm hỗ trợ tự do biểu đạt nghệ thuật và nâng cao năng lực, xây dựng quan hệ công – tư trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, và thúc đẩy mạng lưới các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam.

Dự án nhằm tôn vinh tự do biểu đạt nghệ thuật và sự đa dạng của nền văn hóa. Ảnh minh hoạ.

Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết, trong ba năm gần đây, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã hợp tác với Liên minh châu Âu và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) để thiết kế và triển khai dự án Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam. Dự án này không chỉ kết nối cộng đồng nghệ sĩ, nhà sáng tạo và khán giả trên khắp Việt Nam với một số không gian văn hóa sáng tạo tại châu Âu để tôn vinh tự do biểu đạt nghệ thuật và sự đa dạng của nền văn hóa, mà còn giúp xây dựng sức mạnh và giá trị nội tại của lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
Đã có rất nhiều thay đổi được tạo ra từ dự án Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam. Một không gian văn hóa và sáng tạo là một địa điểm, có thể là vật lý hoặc trực tuyến, mang mọi người lại với nhau, đó là một không gian để thể hiện ý tưởng nghệ thuật và sự sáng tạo của họ trong một môi trường tự do và cởi mở, đồng thời cho phép họ chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật khác nhau với cộng đồng của họ. Tại Việt Nam, hầu hết các không gian là không gian nghệ thuật độc lập, studio thiết kế hoặc không gian chế tạo, và thường do các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo lãnh đạo và quản lý. “Trong năm 2018, đã ghi nhận sự hiện diện của khoảng 140 không gian tại Việt Nam trong nghiên cứu lập bản đồ về các không gian sáng tạo và văn hóa đầu tiên của chúng tôi. Sau ba năm thực hiện dự án này, chúng tôi tự hào đã hợp tác với hơn 300 không gian không chỉ ở các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay thành phố Hồ Chí Minh mà ở những nơi chúng tôi tìm kiếm những kết nối mới như Hải Phòng, Đắk Lắk, Đà Lạt, Gia Lai và Tiền Giang. Chúng tôi thực sự cảm nhận được rằng những không gian này đang tạo ra những sự thay đổi tích cực” – bà Donna McGowan khẳng định.

Dự án cũng giúp xây dựng sức mạnh và giá trị nội tại của lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Giám đốc Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam đã hỗ trợ nâng cao năng lực về thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn. Đồng thời, dự án cũng đã hỗ trợ thiết lập được một mạng lưới chính thức của các không gian văn hóa sáng tạo hoạt động tích cực trên khắp Việt Nam là Viet Nam Creative Hubs Initiative (vichi) với mục tiêu gắn kết nhiều không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam trong một hệ sinh thái bền vững hơn. Đặc biệt, dự án cũng đã bước đầu kết nối được các không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam với các cơ quan, ban ngành quản lý của nhà nước để tạo điều kiện nâng cao hiểu biết, nhận thức và chia sẻ kết nối giữa hai khu vực này với nhau, góp phần tích cực vào thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong 3 năm từ 2018 đến 2021, dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam triển khai một loạt các hoạt động hỗ trợ cho các không gian văn hóa sáng tạo – những nơi có vai trò trợ giúp và kết nối giữa nghệ sỹ, người thực hành và công chúng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo.
Văn hóa là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển bên vững bởi văn hóa tạo ra sự gắn kết giữa các cộng đồng để cùng tiến đến một xã hội cởi mở và phát triển đồng đều trong tương lai. Các cách tiếp cận sử dụng yếu tố nghệ thuật và văn hóa tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng khác nhau cũng giao lưu, trao đổi, tìm ra hướng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, và cũng nâng cao năng lực cho các bên. Văn hóa cũng trao cơ hội cho những biểu đạt sáng tạo cho tiếng nói của các cá nhân để tăng thêm sự hiểu biết, sự đồng cảm, và tạo ra những thay đổi tích cực.
Chương trình cũng đã trở thành nơi chia sẻ của các không gian văn hóa sáng tạo và những nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo về những gì thực sự là cần thiết để Việt Nam có được một đời sống nghệ thuật phong phú đa dạng, cũng như một nền công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển toàn diện bền vững.

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *