Sự kiện

600 mẫu áo dài từ chất liệu truyền thống sẽ cùng ra mắt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chiều 6/4, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra buổi họp báo sự kiện “Áo dài của chúng ta” nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Áo dài di sản Việt Nam” do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam phát động.

Một số bộ áo dài được ra mắt trước sự kiện.

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” do Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Tạp chí Tinh hoa đất Việt tổ chức nằm trong khuôn khổ của chiến dịch “Áo dài di sản Việt Nam” của Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam với mong muốn phát huy hơn nữa để áo dài trở thành biểu trưng của Phụ nữ trong thời đại mới.

Với mong muốn áo dài trở thành di sản của Việt Nam và thế giới, những hoạt động trong khuôn khổ “Áo dài của chúng ta” với chủ đề “ Thế giới trong áo dài Việt “ sẽ diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào lúc 19h30 ngày 9/4.

PGS. TS Trần Đức Ngôn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long phát biểu tại buổi họp báo.

Áo dài là một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam, gắn liền với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến đề xuất UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Phát biểu tại buổi họp báo, PGS. TS Trần Đức Ngôn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho biết, những tà áo dài Việt Nam được trình diễn trong sự kiện “Áo dài của chúng ta” không chỉ mang tính dân tộc ở hình thức mà còn ở chất liệu từ tơ tằm và cây gai. Sự kiện “Áo dài của chúng ta” nhằm kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước như: 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, tôn vinh nét đẹp áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. “Cùng với đó là mong muốn sau sự kiện này, giá trị của áo dài Việt Nam ngày càng được khẳng định với những giá trị văn hoá phi vật gắn liền với đời sống con người, đặc biệt áo dài đã đồng hành với người phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế kỷ trong các lĩnh vực hoạt động” – PGS. TS Trần Đức Ngôn nhấn mạnh.

Tham gia sự kiện “Áo dài của chúng ta” sẽ có 15 nhà thiết kế, trong đó có những nhà thiết kế nổi tiếng như: Minh Hạnh, Ngọc Hân, Lan Hương, Chu La, Trịnh Bích Thủy… Các nhà thiết kế sẽ giới thiệu hơn 600 bộ áo dài, được trình diễn bởi hơn 90 người mẫu. Tham gia chương trình còn có hơn 400 người mẫu, diễn viên… Trong đó, có phu nhân Đại sứ các nước như: Italia, Ấn Độ, Lào…

Điều đáng chú ý, không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, các mẫu thiết kế còn thể hiện sự giao lưu văn hóa với các quốc gia. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài đậm chất Việt Nam, hay những mẫu thiết kế biểu đạt sự bình yên của đất nước Lào, sự sang trọng của hoàng gia Thái Lan, đến với đất nước Ấn Độ qua những hoa văn cung đình, nhìn ngắm hình ảnh nước Nga với nền văn hóa vĩ đại…Các nhà thiết kế đã khai thác các yếu tố văn hóa, mỹ thuật của các quốc gia và đưa vào các họa tiết, hoa văn trang trí, các phụ kiện… trong trang phục áo dài Việt Nam. Tất cả các bộ sưu tập đều được thực hiện bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa, vải gai AP – một chất liệu truyền thống bị lãng quên nhiều năm và đã được sống lại.

Nhân dịp này, các nhà thiết kế đã trao tặng 15 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, trong khuôn khổ sự kiện, tại nhà Thái Học (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám) cũng diễn ra trưng bày về lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó đặc biệt trưng bày  bộ sưu tập áo dài của vua chúa thời Nguyễn của nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng.

Một số hình ảnh tại trưng bày về lịch sử áo dài Việt Nam qua các thời kỳ.

Thuý Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *