Văn hóa

Làng giữa sông Hồng

 Bãi Giữa – cái tên quen thuộc của dải đất nằm giữa sông Hồng vốn được biết đến là một bãi đất hoang đầy cỏ dại. Thế nhưng, ít ai ngờ, những năm gần đây, nơi hoang vu ấy đã trở thành mảnh đất trù phú nhờ bàn tay của những nông dân cần cù. […]

 Bãi Giữa – cái tên quen thuộc của dải đất nằm giữa sông Hồng vốn được biết đến là một bãi đất hoang đầy cỏ dại. Thế nhưng, ít ai ngờ, những năm gần đây, nơi hoang vu ấy đã trở thành mảnh đất trù phú nhờ bàn tay của những nông dân cần cù. Bãi giữa giờ không khác gì một làng quê thanh bình giữa sự ồn ào của phố thị.

… nhiều đất hơn

Ông Phạm Văn Hiếu – một “cư dân” của “ngôi làng” Bãi Giữa chuyển từ quê ra đây sinh sống đã gần chục năm. Ông bảo: “Đất quê tôi giờ ít lắm, làm ăn khó khăn, mỗi nhà được chia có mấy sào ruộng thì cày cấy gì! Ra đây tôi cũng thuê được hơn 2 mẫu để canh tác. Lúc đầu cũng khó khắn lắm. Nào là cải tạo đất, nào là dựng lều, làm nước, làm điện, rồi mua cây giống… Nhưng giờ thì mọi thứ đã khá ổn định. Chúng tôi thu nhập cũng tốt và đều rồi. Dù sao cũng hơn ở quê rất nhiều”.

Ông Hiếu vốn là người ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), từng làm cán bộ thông tin nhiều năm trong quân ngũ, có hơn 40 năm tuổi Đảng. Về quê, ông làm lụng khá vất vả nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Nhờ sự giới thiệu của những người cùng làng nên ông mới biết nơi này. Ở Bãi Giữa đến giờ có khoảng 50 hộ, chủ yếu là người Khoái Châu lên để khai khẩn và canh tác. Phần lớn thời gian họ sinh hoạt, làm ăn ở bãi giữa là chính, chỉ những dịp lễ Tết mới về quê. Nhà ông Hiếu trồng chuối, táo, cà chua… để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Theo ông, thường thì các mối mua buôn vào tận vườn để mua nên việc tiêu thụ không khó khăn gì. Ngoài ra, thi thoảng ông cũng tự mình chở nông sản sang các chợ lân cận để bán. Vì “của nhà trồng được” một cách đúng nghĩa nên hàng của những người như ông thường có giá khá mềm và rất nhanh hết.

Anh Khương – người hàng xóm gần nhà ông Hiếu cũng là người ở Khoái Châu lên đây. Bố mẹ anh lên bãi giữa từ đầu những năm 1990, rồi đưa con cái cùng lên. Cũng như ông Hiếu, anh Khương cho biết ở quê mình không có nhiều đất ruộng và rất khó làm ăn. Nhà anh trồng chuối, quất và các cây dược liệu. Theo anh Khương, việc canh tác diễn ra khá thuận lợi vì đất đai ở đây màu mỡ, lại ít có sự cạnh tranh.

Những cư dân sống ở đây cho biết, nhiều năm nay nước sông Hồng không dâng lên ngập bãi nên không lo lắng việc nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi. Ở bãi không được làm nhà kiên cố nhưng với họ những chiếc lều bằng tre, gỗ ở cũng rất tốt. Bãi giữa tuy rộng và um tùm nhưng an ninh hoàn toàn được bảo đảm. Chính quyền thường xuyên kiểm tra và để lại số điện thoại liên hệ nếu cần. Theo các hộ dân thì cuộc sống ở bãi giữa rất bình yên, thi thoảng mới có người lạ sang thăm thú, còn lại chỉ có những gia đình ở đây với nhau.

Ở bãi giữa, họ cũng ít phải chi tiêu, rau cỏ tự trồng, gà vịt tự nuôi. Để có nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng đồng, các gia đình đều đào giếng khoan; để có điện, họ mua các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời…

Trốn phố

Ngoài những người nông dân bỏ quê lên thủ đô làm ruộng ở bãi giữa còn là một không gian “độc” cho những người muốn rời xa phố thị nhưng vẫn được gần gia đình.

Ông Nguyễn Đức Thắng là một người như thế. Người Hà Nội gốc, từng là một họa sĩ, lại có thêm nghề làm bánh nhưng ông thấy mình chỉ hợp với nghề trồng cây, chăn nuôi gia cầm, chim cảnh. Từ nhiều năm trước ông Thắng đã lên Hòa Bình mua 2ha đất để trồng cây, chăn nuôi và thuê người trông coi. Thế nhưng, một trang trại quá xa gia đình, lại phải thuê người trông, ông gặp rất nhiều chuyện bực mình.


Mái nhà tranh ở bãi giữa sông Hồng

Quá quen thuộc với sông Hồng, lại biết có người cho thuê đất ở bãi giữa, vậy là ông quyết thực hiện mơ ước của đời mình một lần nữa. Từ bỏ mọi tiện nghi, ông ra bãi sông dựng lều mái lá, không tivi, tủ lạnh, không nồi cơm điện, sớm hôm làm bạn với ngan, ngỗng và cả những đám chim trời….Vài hôm vợ ông Thắng từ trong phố lại ra đưa đồ ăn tiếp tế cho chồng. Ông bảo, ra đây ông thấy mình trẻ lại, thấy vui tươi; không còn những trận nhậu nhẹt, không còn những ồn ào phố thị… và sự tĩnh lặng làm ông nhớ được nhiều kỷ niệm, được sống là chính mình. Đó là những điều mà khi còn ở trong phố, ông không có thời gian “được nhìn thấy”.

Ngoài ông Thắng, ở bãi giữa cũng có một số “ngôi nhà” của những trong phố ra thuê đất để trồng rau sạch, nuôi gia cầm… tự cung cấp cho cuộc sống.

Tiếp xúc với những người dân ở bãi giữa, dù là những người nông dân tìm cơ hội kiếm sống hay những người tìm cách lánh xa ồn ào, chúng tôi đều nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của họ. Trong câu chuyện họ kể, luôn chất chứa đầy niềm vui, sự thỏa mãn và mang âm hưởng của sự tươi sáng. Có lẽ, không gian xanh, sự tĩnh lặng, giản đơn…chính là những giá trị cốt lõi để họ có được những điều như thế!

 Văn bản số 902/vp-kt của Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP đã nhận được văn bản của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão về tình hình vi phạm pháp luật tại các khu vực bãi giữa sông Hồng.

Chi cục Đê điều đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (thanh thải các công trình có tính chất xây dựng và trồng cây lâu năm, đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng) ngay từ khi vi phạm mới phát sinh; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này.

Căn cứ kiến nghị của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, UBND TP chỉ đạo UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng đất; xây dựng công trình tại các khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn quận.

Theo Báo Đại biểu HĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *