Di sản

Kim sách triều Nguyễn: Di sản vô giá

Mỗi quyển kim sách là một di sản vô giá, vừa chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều, vừa phản ảnh chân thực chân dung cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách.

Kim sách triều Nguyễn (1802 – 1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích… Lời sách do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn và việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.

ks5
Nhằm tạo cơ hội giúp công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm và tìm hiểu về sưu tập hiện vật đặc biệt này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802 – 1945)” từ ngày 31/3 đến đầu tháng 8/2016.
Trưng bày dễ hiểu, dễ nhớ
Từ nội dung sưu tập kim sách Triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy có trường hợp một hoàng đế dâng, ban nhiều kim sách cho nhiều người khác, hoặc một người nhận được nhiều kim sách từ nhiều hoàng đế tương ứng với nhiều tôn hiệu khác nhau. Như số lượng kim sách do hoàng đế Gia Long cho đúc lên tới 33 cuốn. Ngược lại, như trường hợp Hoàng Thái hậu Tự Dụ, nhận được rất nhiều kim sách phong, dâng tôn hiệu từ lúc làm quý phi cho tới khi làm thái thái hoàng thái hậu và thụy hiệu sau khi bà mất. Mặt khác do mỗi kim sách là một văn bản độc lập, gắn với một sự kiện riêng lẻ của nhân vật được dâng, ban kim sách. Tên hiệu của một người ở mỗi kim sách cũng khác nhau. Bởi vậy, ngoài việc trưng bày theo nội dung, thế thứ, trưng bày sử dụng cả giải pháp trưng bày theo nhân vật, để công chúng dể hiểu, dễ liên kết các câu chuyện về một nhân vật qua nhiều kim sách khác nhau. Như trường hợp Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên bị Hoàng đế Tự Đức giáng làm Trung phi, sau đó lại được tôn làm hoàng hậu và các đời sau tôn làm hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu. Nếu bày riêng rẽ theo nội dung chủ đề, khách tham quan không những sẽ khó hình dung những cuốn kim sách này là về một cùng nhân vật mà còn không biết được câu chuyện về quá trình dâng ban tôn hiệu đối với nhân vật này.
Tôn hiệu, thụy hiệu ghi trong kim sách rất dài, khó đọc và khó nhớ. Tuy nhiên để đảm bảo sự tôn trọng và tính trang trọng, chú thích hiện vật sẽ ghi đầy đủ tên hiệu, có chú thích thêm tên hiệu thường gọi tắt để khách tham quan dễ hiễu, dễ nhớ.

 

Kim sách bạc mạ vàng, niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934).
Kim sách vàng, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1922).
Kim sách vàng, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845).
Kim sách vàng, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819).
Kim sách vàng, niên hiệu Thiệu Trị thứ 1 (1841).
Kim sách bạc mạ vàng và ấn “Chính hậu chi bảo”, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836).

Mỗi cuốn sách là một câu chuyện
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ sưu tập kim sách triều Nguyễn bằng vàng và bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”… Mỗi quyển kim sách là một di sản vô giá, vừa chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều, vừa phản ảnh chân thực chân dung cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách. Đáng chú ý, trong sưu tập có nhiều quyển kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.
Ban tổ chức cho biết, 22 quyển kim sách tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng và 10 kim bảo liên quan sẽ được trưng bày trong dịp này.
Phần nội dung trưng bày “Hoàng đế Gia Long truy dâng tôn hiệu, tôn thụy cho các chúa Nguyễn và hoàng hậu thời chúa Nguyễn”, hiện vật lựa chọn gồm kim sách dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng, người đầu tiên vào lập nghiệp và xây dựng chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn sau này; chúa Nguyễn Phúc Chu, người có nhiều công lao trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam và chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông nội của hoàng đế Gia Long, người đầu tiên xưng vương.
Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng là Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ. (Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế); Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Phúc Chu là Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng đế, miếu hiệu là Hiển Tông (Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế); Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho Tống Kính phi (vợ chúa Nguyễn Phúc Chu) là Từ Huệ Cung Thục Ý Đức Kính Mục Hiếu Minh Hoàng hậu (Từ Huệ Hiếu Minh Hoàng hậu); Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho Hoàng tổ phụ (ông nội) là chúa Nguyễn Phúc Khoát làm Càn Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ Hoàng đế, miếu hiệu là Thế Tông (Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế). Kèm theo các kim sách là ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo”, do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời Hoàng đế Gia Long (1802 – 1820) được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.
Triều Nguyễn có ba lần lập hoàng thái tử. Đó là Hoàng đế Gia Long lập hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là hoàng đế Minh Mệnh), Hoàng đế Khải Định lập Đông Cung Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (sau là Hoàng đế Bảo Đại) và Hoàng đế Bảo Đại lập Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long làm Hoàng Thái tử. Trưng bày giới thiệu hai cuốn kim sách liên quan nội dung này. Quyển lập Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm trưng bày chung với các kim sách liên quan đến Hoàng đế Minh Mệnh. Quyển lập Đông Cung Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy bày trong tủ độc lập.
Kim sách Hoàng đế Khải Định lập Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử, ngày 2 tháng 4 năm Nhâm Tuất (1922). Năm 1926, sau khi Hoàng đế Khải Định băng hà, Hoàng Thái tử lên ngôi kế vị, lấy niên hiệu là Bảo Đại.

Trong sưu tập kim sách Triều Nguyễn, chỉ có duy nhất một cuốn về việc giáng chức liên quan đến Trang Ý Hoàng Thái hậu. Bà là Hoàng Quý phi của Hoàng đế Tự Đức, đương thời được kính trọng chỉ sau Từ Dụ Hoàng Thái hậu. Bà là người có học vấn, hiểu lễ nghi, được Hoàng đế hết lòng sủng ái, cho trông coi 6 viện. Một lần, cung nhân thuộc 6 viện tiến cơm chậm làm trái ý Hoàng đế, nên bà bị giáng chức xuống làm Trung phi. Tuy nhiên, trước khi mất, Hoàng đế Tự Đức để lại di chiếu tôn phong bà làm Khiêm Hoàng hậu. Các Hoàng đế đời sau đã thực hiện di chiếu và tiếp tục tôn bà làm Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu. Để khách tham quan hiểu được câu chuyện này, quyển kim sách giáng chức sẽ được giới thiệu chung cùng các kim sách dâng tôn hiệu cho Trang Ý Hoàng Thái hậu.
“Những cuốn kim sách này được bảo tàng lưu giữ hàng chục năm, trải qua nhiều thăng trầm, chiến tranh khắc nghiệt và thử thách của thời đại. Có thời gian, sách đã được bàn đến với một tiêu chí khác, đó là chuyển đổi thành giá trị ngân sách cho công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Song may mắn là cuối cùng những hiện vật này vẫn được giữ lại”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
“Đến nay, chúng tôi thấy cần phải đưa ra trước công chúng để giới thiệu về một loại hình di sản gắn với các đời vua Nguyễn trong quá trình thống nhất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nó có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội nghệ thuật”, ông Cường khẳng định.

Theo Cinet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *