Văn hóa cơ sở

Bánh chưng Tranh Khúc

Bánh chưng Tranh Khúc có hai loại: Bánh chưng vuông và bánh tét, với nhiều kích cỡ khác nhau, giá cả khác nhau. Năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

Bánh chưng là một sản phẩm quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Hà Nội tự hào có làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), vốn từ lâu nức tiếng với nghề gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng dẻo thơm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã chinh phục khách hàng trên nhiều vùng miền Tổ quốc.

Bánh chưng Tranh Khúc

Tranh Khúc có tên nôm là làng Tranh, tương truyền xa xưa có thời kỳ lũ sông Hồng làm sạt lở phân chia làng thành 2 khúc, cũng có thể tên gọi Tranh Khúc bắt nguồn từ sự kiện đó. Nghề làm bánh chưng có từ bao giờ, nhiều người cao tuổi trong làng cũng không nhớ được. Chỉ biết rằng, họ lớn lên trong những công việc  làm ra chiếc bánh chưng, trong mùi vị thơm ngon, hấp dẫn của chiếc bánh. Những công việc làm bánh được thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, được giữ gìn, phát huy, tạo nên thương hiệu, sức sống của làng nghề.

Bánh chưng Tranh Khúc được hút chân không

Bánh chưng Tranh Khúc có hai loại: Bánh chưng vuông và bánh tét, với nhiều kích cỡ khác nhau, giá cả khác nhau. Để làm ra chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Lá dong phải là lá dong nếp, to bản, đặc biệt không được rách, được rửa sạch, lau khô, để khi gói, vừa tạo được sắc xanh tự nhiên cho vỏ bánh khi luộc chín, bánh sẽ thơm, giữ được lâu. Gạo nếp được chọn là gạo nếp cái hoa vàng ở Nam Định, Thái Bình. Đậu xanh bóc vỏ, được nấu chín để tạo độ ngậy. Gạo nếp cho vào ngâm, vo sạch, để ráo nước, rắc thêm chút muối hạt và trộn đều. Đỗ xanh ngâm rửa sạch, đồ chín. Thịt thái miếng dày, ướp thêm hạt tiêu. Nét độc đáo của Tranh Khúc là người làm nghề gói bánh chưng vuông bằng tay (nhiều nơi gói bằng khuôn) nhưng vẫn đảm bảo 8 góc vuông vắn. Sau khi gói, bánh sẽ được luộc khoảng 8 tiếng, sau đó được vớt ra và xếp cho ráo nước. Người Tranh Khúc quan tâm giữ  nghề truyền thống nhưng đã sử dụng điện để luộc bánh vừa đảm bảo độ thơm ngon, an toàn cho bánh, vừa tốt cho sức khỏe người làm (trước đây luộc bánh bằng than, củi). Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hộ sản xuất đã đầu tư máy hút chân không đóng gói bánh chưng. Nhờ áp dụng công nghệ, lựa chọn nguyên liệu chất lượng nên sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, trở thành địa chỉ uy tín trong lòng người dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành.  Dịp Tết Nguyên đán là cao điểm của làng nghề. Độ mươi ngày trước Tết, Tranh Khúc được mệnh danh là “làng không ngủ”. Các công đoạn làm bánh được khẩn trương thực hiện. Các mẻ bánh nối tiếp nhau ra lò. Các hộ làm nghề tăng năng suất để kịp phục vụ các đơn hàng.  Nghề làm bánh tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống của người làm nghề.

Truyền thống văn hóa về bánh chưng ngày Tết được trao truyền lại cho thế hệ trẻ để cùng gìn giữ, phát huy một phong tục đẹp trong văn hóa dân tộc Việt.

Hiện nay, xã Duyên Hà có trên 250 hộ dân làm bánh,  trong đó có trên 110 hộ sản xuất thường xuyên (các hộ còn lại sản xuất theo mùa vụ), các hộ làm nghề nằm ở 3 thôn trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Tranh Khúc. Sản lượng bánh cung cấp cho thị trường khoảng 23.000 – 25.000 chiếc/hộ/năm.

Năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Bánh chưng Tranh Khúc được cung cấp hệ thống mã vạch riêng, xây dựng website http://banhchungbanhdaytranhkhuc.com để giới thiệu, bán hàng trực tuyến, có 1 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 cơ sở sản xuất có 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao là bánh chưng ngũ sắc và bánh chưng nếp cẩm. 100% hộ dân làm nghề được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kiến thức tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu.

Nếu có dịp đến Tranh Khúc vào dịp cuối năm, du khách được tham quan khu giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm các công đoạn làm các loại bánh truyền thống của làng nghề cũng như mua các sản phẩm của làng nghề. Đến để hiểu hơn về một sản vật biểu trưng cho văn hóa dân tộc, nhất là khi Tết đến Xuân về.

Phú An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *