Triển lãm

Tổ chức trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin”

Vào ngày 18/01/2018 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin”

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908-02/02/2018), 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin” vào ngày 18/01/2018 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ. Các phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Trưng bày: “Sáng mãi niềm tin” khẳng định niềm tin bất diệt của những người chiến sỹ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng sẽ thành công. Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, cách mạng đã đi đến bến bờ thắng lợi, Nhà nước Việt Nam độc lập đã ra đời. Để có được thành quả vĩ đại đó, nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu, gánh chịu biết bao hy sinh. Nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng như: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… bị bắt, giam trong các nhà tù như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, Phú Quốc… Dù bị đọa đày nơi ngục tù tăm tối, dù phải hy sinh tính mệnh, những người chiến sỹ ấy vẫn hiên ngang.
Trưng bày bao gồm 3 phần: Phần mở đầu của trưng bày giới thiệu về Nguyễn Đức Cảnh – Dấu ấn nhà cách mạng. Nội dung thứ hai Tiến bước dưới cờ Đảng, giới thiệu về 4 đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các đồng chí đã kế tiếp nhau tham gia chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua phong ba. Nơi niềm tin tỏa sáng là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khi bị thực dân Pháp bắt

Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm tiêu biểu của các đồng chí như: “Luận cương chính trị” (Trần Phú), “Tự chỉ trích” (Nguyễn Văn Cừ)…; một số báo: “Búa liềm”, “Lao động” và một số truyền đơn, tài liệu của Đảng.
Điểm nhấn trong chương trình khai mạc, đại biểu được trực tiếp tham gia giao lưu với nhân chứng lịch sử là những đảng viên tiêu biểu, từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc gồm: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Trưởng ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; Bà Nguyễn Thị Hồng – cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Đại biểu Quốc hội khóa II, III và Ông Lâm Văn Bảng – Cựu tù Phú Quốc, Ủy viên Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Những chia sẻ của 03 nhân chứng sẽ giúp khách mời tham gia chương trình hiểu thêm về những động lực, niềm tin đã giúp họ vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, giữ trọn tấm lòng với Đảng, với cách mạng.

HL

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *