Quy tắc ứng xử

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả triển khai 02 Quy tắc ứng xử

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, và để có thêm những giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa 02 quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội, chiều 31/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm Phát huy hiệu quả việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử, tạo tiền đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Tọa đàm.

Ngày 17/3/2021 Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chương trình cũng xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật. Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhận định, sau 05 năm triển khai thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố, bước đầu đã ghi nhận những kết quả nhất định. Ý thức ứng xử của người dân đã có chuyển biến; những chuẩn mực văn hoá, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân nơi công cộng dần hình thành, những hành vi không đẹp, chưa đẹp nơi công cộng đã được giảm thiểu. Bên cạnh đó, ứng xử của cán bộ, công chức với nhân dân chuyển biến tốt hơn, tinh thần trách nhiệm đối với công việc và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức được nâng lên, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại 05 năm qua, việc triển khai thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử vẫn còn những hạn chế cần quan tâm, nhận thức của một số cấp uỷ đảng, chính quyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh chưa thật sự sâu sắc, chưa có tính sáng tạo, hiệu quả tuyên truyền chưa cao… Ở một số nơi, đặc biệt ở những điểm công cộng như: bến xe, chợ… nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến hiệu quả thực hiện bộ quy tắc chưa đạt được như mong muốn, mục tiêu mà Thành uỷ, UBND Thành phố đặt ra.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay trong triển khai Quy tắc ứng xử tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, huyện đã gắn việc thực hiện Quy tắc ứng xử với mô hình tang lễ văn minh, tiến bộ; mỗi năm tổ chức một cuộc thi về Quy tắc ứng xử gắn với một chủ đề cụ thể; một số quận, huyện, cơ quan gắn thực hiện Quy tắc ứng xử với xây dựng môi trường cơ quan, môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp đạt hiệu quả cao… Các đại biểu cũng đề xuất cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hình thức tuyên truyền vận động thực hiện Quy tắc ứng xử; tăng cường tổ chức các Hội thi để tuyên truyền kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến… Đặc biệt, các đại biểu đều đề xuất phải có chế tài đối với thực hiện Quy tắc ứng xử để khắc phục những trường hợp thiếu ý thức trong thực hiện Quy tắc ứng xử.

Phó phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh đã đưa ra nhiều mô hình hay trong việc triển khai bộ QTUX.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ông Kiều Cao Trinh – Phó phòng Chính trị, tư tưởng cho biết, nhằm triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của UBND Thành phố, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch để tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025. Từ kế hoạch của UBND thành phố, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch riêng cho toàn ngành. Năm 2021 cũng là năm thứ 10 ngành Giáo dục thực hiện việc giảng dạy Bộ Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh phổ thông, và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay, Sở GD&ĐT đang phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng bộ Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh mầm non lớp 5 tuổi. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, số tiết hoạt động ngoại khóa, giáo dục lịch sử địa phương tăng lên gấp 3 lần, rất phù hợp cho việc đưa những nội dung của Quy tắc ứng xử vào hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia đóng góp, đề xuất các ý kiến đồng thời trao đổi, thảo luận tập trung vào việc đánh giá hiệu quả trong công tác tuyên truyền; đề xuất những hình thức tuyên truyền mới; nhấn mạnh tầm quan trong của các đoàn thể, công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện quy tắc ứng xử. Đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử gắn với các danh hiệu thi đua khen thưởng.
Kết luận tại buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, các sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, lấy con người, gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học là hạt nhân để tuyên truyền; cần ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả cao, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay; đổi mới hình thức các Cuộc thi để có tính thiết thực hơn nữa.

Hòa An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *