Văn hóa cơ sở

Điểm sáng An Hiền

“Nhà có số, đường có hoa, tường có tranh”, đã trở thành niềm tự hào của người dân An Hiền và cũng là sức hấp dẫn, níu giữ bước chân du khách có dịp đến thăm. Thư viện có trên 2.000 đầu sách, sân vận động rộng 3.000m2, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của Nhân dân.

Thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Trong đó, thôn An Hiền (được hình thành từ việc sáp nhập thôn An Hiền và An Vọng, xã Hoàng Diệu) được ví như miền quê đáng sống với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và người dân nghĩa tình, chung tay xây dựng, duy trì nếp sống văn hóa.

An Hiền thanh bình từ khung cảnh làng quê với những con đường bê tông được tô điểm bởi màu xanh mát của cây, nhiều sắc màu rực rỡ của các loại hoa, thường xuyên được quét dọn, xanh – sạch – đẹp. Trên tất cả các cột điện đều có pano tuyên truyền về đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội. 100% nhà ở của Nhân dân đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, điều gây ấn tượng với những ai đến đây lần đầu đó là các ngôi nhà được đánh số cẩn thận. Nhiều bức tường nhà được trang trí bằng các bức tranh bích họa sinh động tạo thêm vẻ cuốn hút. “Nhà có số, đường có hoa, tường có tranh”, đã trở thành niềm tự hào của người dân An Hiền và cũng là sức hấp dẫn, níu giữ bước chân du khách có dịp đến thăm.

Tranh tường bích họa ở An Hiền

Ảnh: Lê Dương

An Hiền đẹp bởi nếp sống văn hóa được duy trì, phát huy trong cuộc sống hàng ngày. Đó là việc mừng thọ được tổ chức tập thể từ nhiều năm nay. Tại đó, các nghi thức được tiến hành trang trọng, đề cao truyền thống “Kính già, yêu trẻ”, “Uống nước nhớ nguồn”. Những người già, những cây cao bóng cả của làng được  tôn vinh, trân quý. Các gia đình thêm gắn kết khi cùng nhau lo công việc tại một không gian đầm ấm nghĩa tình. Việc cưới, việc tang ở An Hiền được thực hiện theo nếp sống văn minh. Các nghi lễ của đám cưới đã được rút gọn, không bày cỗ ăn uống nhiều ngày, xóa bỏ quan niệm việc cưới là “trả nợ miệng” mà quan tâm đến giáo dục đôi trẻ giữ gìn nền nếp gia phong, xây dựng gia đình văn hóa. Trong việc tang, An Hiền là một trong những điểm sáng của thành phố khi có nghĩa trang được quy hoạch khoa học, bài bản với sự ủng hộ của 100% hộ dân trong thôn. Không chỉ đồng thuận về chủ trương, thiết kế, Nhân dân An Hiền còn tự nguyện  quy tập hơn 300 ngôi mộ từ nhiều địa điểm về nghĩa trang thôn, đóng góp hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nghĩa trang của thôn.

Trưởng thôn Trần Quang Huy (người mặc áo xanh), người góp phần quan trọng trong việc xây dựng thư viện thôn An Hiền

 Ảnh: Bạch Thanh

Là miền quê ngoại thành nhưng từ nhiều năm nay, An Hiền vẫn duy trì, phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng. Người dân An Hiền hiền lành, cần cù, nhân ái, nghĩa tình,  mến khách và cũng thích đọc sách báo. Những lúc nông nhàn, người dân có thể dành cả buổi để đến thư viện thôn đọc sách, báo. Những lúc nghỉ giải lao khi làm nghề phụ, nhiều người cũng lựa chọn cách giải trí là đọc sách, báo. Nhu cầu tìm hiểu, nâng cao tri thức của Nhân dân được đáp ứng tối đa bởi thư viện thôn An Hiền có hơn 2.000 đầu sách, thường xuyên được bổ sung, luân chuyển từ nguồn sách của Thư viện thành phố, Thư viện huyện. Sách báo được sắp xếp khoa học và được giữ gìn, phục vụ tận tình của người thủ thư tâm huyết “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Được xây dựng từ năm 2015 với kinh phí gần 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, Thư viện thôn An Hiền có không gian rộng rãi, thoáng mát, trở thành điểm hẹn của người yêu sách và là niềm tự hào của người dân nơi này. Sách báo đã cung cấp những kiến thức bổ ích phục vụ cuộc sống, sinh hoạt, tạo ra những giây phút thư giãn bổ ích và còn làm cho tình cảm giữa các thành viên trong thôn thêm khăng khít bởi sự chia sẻ, bàn luận về sách, qua thăm hỏi, trò chuyện mỗi khi đến thư viện.

Những người thích vận động thể lực, yêu thích thể thao của An Hiền lại có niềm tự hào khác. Đó là sân vận động rộng 3.000m2 . Đây cũng là kỳ tích của thôn vì lúc đó (năm 2011) khu đất 3.000m2 nằm ở vị trí giữa làng có trị giá nhiều tỷ đồng. Sở hữu đất có giá trị kinh tế nhưng người dân An Hiền đã sẵn sàng hiến đất, đóng góp thêm kinh phí để xây dựng sân vận động, mua sắm trang phục, thiết bị phục vụ luyện tập thể dục thể thao. Trước khi thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, sân vận động luôn đông vui, tấp nập. Nhân dân trong thôn đến sân vận động để luyện tập những môn mà mình thích: Đi bộ, đá bóng, chạy, tập thể dục dưỡng sinh, đánh cầu…Sân vận động đã trở thành địa điểm lý tưởng để Nhân dân luyện tập thể dục thể thao, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Những con đường đầy hoa tươi rực rỡ sắc màu, những tranh tường bích họa tươi tắn, sinh động, những ngôi nhà được đánh số khiến An Hiền thật thanh bình, tươi đẹp và cũng rất văn minh. Điều đáng quý là kinh phí để triển khai các phần việc này đều từ nguồn xã hội hóa trong Nhân dân. Từ một thôn nghèo của xã Hoàng Diệu, An Hiền đã vươn lên thành thôn giàu đẹp, văn minh với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, đặc biệt là sự tâm huyết, nhiệt tình của các cán bộ cơ sở, tiêu biểu là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Trần Quang Huy. Ông Huy là người dám nghĩ, dám làm, tích cực tuyên truyền, đi đầu trong ủng hộ kinh phí tạo ra những đổi mới của An Hiền (xây dựng nghĩa trang, thư viện, sân vận động, trồng cây xanh, tổ chức mừng thọ tập thể, vận động Nhân dân bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang)…

Có đời sống văn hóa được nâng cao, an ninh chính trị, an toàn, trật tự xã hội luôn  ổn định, An Hiền là bức tranh đẹp về nông thôn mới với những gam màu tươi sáng trong cảnh sắc thiên nhiên, ấm nồng tình đoàn kết, quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh của cán bộ, Nhân dân nơi này.

Nguyễn Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *