Văn hóa

Điểm sáng Nhị Khuê

Triển khai sâu rộng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có sự gắn kết chặt chẽ với phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là được sự đồng tình, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, xã Nhị Khê đã […]

Triển khai sâu rộng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có sự gắn kết chặt chẽ với phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là được sự đồng tình, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, xã Nhị Khê đã trở thành điểm sáng của huyện Thường Tín. Năm 2015, xã đã được Thành phố công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.  Những giá trị văn hóa đã và đang lan tỏa với chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao.

15 năm qua, để việc triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đạt chất lượng, hiệu quả và từng bước đi vào chiều sâu, Đảng uỷ xã quan tâm đưa nội dung vào triển khai Nghị quyết hàng tháng, UBND xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của cấp ủy. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Năm 2000 có 74% số hộ gia đình đăng kí xây dựng gia đình văn hóa, trong đó 80% số gia đình đăng ký được công nhận; đến năm 2015 có 92% số gia đình đăng kí, trong đó 82% được công nhận gia đình văn hóa. Với việc bình xét công khai, minh bạch, chất lượng gia đình văn hóa cũng ngày càng tăng. Những nếp sống, cách sống đẹp của nhiều gia đình có nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo đã tạo sức lan tỏa trong đời sống, được nhân dân khen ngợi.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cũng như các công trình phúc lợi được xã chú trọng thực hiện. Hiểu được tác dụng của các thiết chế văn hóa đối với đời sống của chính mình, nhân dân trong xã Nhị Khê đã tích cực, đồng tình ủng hộ, đóng góp ngày công, kinh phí. Đến nay, 5/5 làng, cụm dân cư đều có nhà văn hóa đạt chuẩn và sử dụng có hiệu quả; có sân  bãi luyện tập, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đáp ứng nhu cầu luyện tập của các tầng lớp nhân dân. 100% đường làng, ngõ xóm được mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa; hệ thống các trường học, trạm y tế, đài truyền thanh, điện thắp sáng… được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tất cả những công trình này đã được đưa vào sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Có cơ sở vật chất đầy đủ cũng là một trong những yếu tố giúp các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng trên địa bàn. Toàn xã hiện có 5 câu lạc bộ (CLB) bóng đá, 4 CLB  cầu lông, 3 CLB bóng chuyền, 3 CLB bóng bàn, thường xuyên luyện tập vào các buổi chiều trong tuần. Cùng nhau luyện tập TDTT, cùng trao đổi, trò chuyện, thăm hỏi nhau về cuộc sống hàng ngày, trao đổi những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, trẻ em hay bàn bạc về vấn đề thời sự…cũng là một cách giúp thắt chặt thêm sợi dây tình cảm gắn bó giữa các hộ gia đình trong xã. Vào các dịp kỷ niệm, các ngày lễ lớn của dân tộc, Thủ đô, Ban chỉ đạo phong trào xã tham mưu tổ chức các chương trình văn nghệ, các giải thi đấu thể thao hoặc phối hợp các đoàn nghệ thuật về biểu diễn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Điều đáng mừng là năm 2015, đội bóng đá của xã đạt giải nhất cúp doanh nghiệp trẻ lần thứ 3, đội bóng chuyền hơi đạt giải 3 do huyện tổ chức.

Việc thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội được cấp uỷ và chính quyền cơ sở xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Phát huy vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân, các làng đã xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức, các tiêu chí, quy ước, hương ước phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo phong trào của xã chủ động phối hợp với Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép, phê phán, loại bỏ những biểu hiện lãng phí, vụ lợi, hủ tục lạc hậu, thực hiện văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội, coi đây là tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, bình xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và gia đình văn hoá. Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cán bộ nêu gương đi đầu, 10 năm qua, việc cưới, việc tang ở Nhị Khê được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không ăn uống linh đình, dài ngày, không có trường hợp tảo hôn… Số người chết được hỏa táng ngày càng tăng: năm 2015 đạt 51,6%; 6 tháng đầu năm 2016 đạt 74%.

Nhị Khê đã có diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn từ xây dựng nông thôn mới, từ thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong mỗi nếp nhà, những giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang tiếp tục lan tỏa, thấm sâu, trở thành động lực của sự phát triển, cùng vun đắp cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, văn minh hơn.

1

Hội đình làng Nhị Khê, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống

Quốc Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *