Hà Nội đẹp

Huyện Thanh Trì giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2025”, với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng…

 Ngày 22/10/2020, Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/HU về “Phát triển văn hóa – xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện”. Sau hơn 3 năm thực hiện, huyện Thanh Trì đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó, huyện đã bảo tồn, phát  huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Chương trình số 07 của Huyện ủy Thanh Trì là sự cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

 

Năm 2022, huyện Thanh Trì tổ chức Liên hoan múa dân gian với  sự tham gia của 48 đội thi đến từ 16 xã, thị trấn cùng tranh tài ở 3 nội dung: Múa rồng, múa sư tử và múa sênh tiền.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa và 45 lễ hội truyền thống. Những năm qua, huyện luôn triển khai các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Thanh Trì đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2025”, với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã rà soát, kiểm tra hiện trạng 48 di tích, 29/29 di tích đã hoàn thành các bước thỏa thuận chuyên ngành, được nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo với nhu cầu vốn đầu tư 475,2 tỷ đồng; trong đó có 7 di tích đã triển khai thi công (4 di tích đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 2 di tích đã cơ bản hoàn thành, 1 di tích đang thi công theo tiến độ). Năm 2023, huyện đã phê duyệt quyết định đầu tư 6 dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án, 10 dự án đã có ý kiến chuyên ngành về quy mô đầu tư; lập hồ sơ tu bổ, tôn tạo 14 di tích bị xuống cấp; hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng 17 di tích; đề xuất nâng hạng lên cấp quốc gia di tích chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu và lên cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích đình Chu Văn An…

Múa Bồng tại Hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều)

Ảnh: Thanh Hồng

Bám sát Chương trình số 07 của Huyện ủy Thanh Trì, các xã, thị trấn trên địa bàn đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tiêu biểu như tại xã Tân Triều, một xã giàu truyền thống cách mạng, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng vẫn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống và nét đẹp văn hóa đặc trưng. Hệ thống sắc phong tại đình của 2 thôn được thành phố công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm và lễ hội thôn Triều Khúc, trong đó có các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian: Múa bồng, múa lân, múa chạy cờ, múa sênh tiền được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng có tốc độ đô thị hóa nhanh như Tân Triều là xã Tứ Hiệp. Song song với phát triển kinh tế, xã Tứ Hiệp vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, trong đó có điệu múa rồng truyền thống tại thôn Cổ Điển A. Nhiều năm qua, Thôn đã duy trì đội múa rồng để gìn giữ điệu múa truyền thống của cha ông. Việc tập luyện được tổ chức thường xuyên song song với việc tổ chức một đội múa rồng “nhí” nhằm truyền dạy nghệ thuật múa rồng truyền thống cho các thế hệ kế tiếp”. Đội  múa rồng biểu diễn phục vụ Nhân dân vào dịp Tết đến Xuân về, hội làng…tích cực tham gia Liên hoan múa dân gian huyện Thanh Trì và giành giải cao.

Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì đã đề ra các giải pháp  nhằm nâng cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy, tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát triển các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025”: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, chú trọng phát triển nhóm sản phẩm du lịch tham quan, sinh thái, trải nghiệm làng nghề, nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, giới thiệu hình ảnh của huyện đến du khách trong nước và quốc tế. Cùng với đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, xã phát triển thành phường; đồng thời, phát huy hiệu quả các quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ngọc Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *