Hà Nội đẹp

Huyện Thường Tín: Gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính, Từ Giấy

Việc đặt tên 2 tuyến đường trên địa bàn huyện Thường Tín góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của mảnh đất danh hương, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc…

Chiều 18/02/2024, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín tổ chức Lễ gắn biển tên đường danh nhân Dương Chính, Từ Giấy.

Tham dự buổi lễ có các đại biểu: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản…

Danh nhân Dương Chính sinh ra và lớn lên tại huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn, niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 vua Lý Huệ Tông (1213). Hiện nay, tại Văn chỉ thôn Mễ Sơn, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín và Văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), có khắc ghi tên ông trên bia đá, trên đó ghi lại rõ họ tên Dương Chính, đỗ đạt và ra làm quan đời vua Lý Huệ Tông. Ông được mệnh danh là người: “Khai khoa truyền thế” tức là “Khai khoa truyền lại cho đời sau”.

Tên đường Dương Chính được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Tử Tấn tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường QH dự án đường Danh Hương giai đoạn 3. Đường dài 406m; rộng: 9m.

 

Gắn biển tên đường mang tên danh nhân Dương Chính

Ảnh: Bạch Thanh

Danh nhân Từ Giấy (1921-2009) quê ở làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Xuất thân trong một gia đình nghèo, mồ côi bố từ nhỏ, dù tuổi thơ vất vả nhưng Từ Giấy học rất giỏi. Tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại trường Bưởi, Hà Nội, năm 1943, ông trúng tuyển vào Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương (năm 1945 trường được đổi tên thành Trường Đại học Y – Dược Hà Nội). Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tình nguyện nhập ngũ khi đang học đại học. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Giáo sư Từ Giấy trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ông từng phụ trách tờ Vui sống – là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ: Trưởng phòng Phòng bệnh Cục Quân y, Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ; Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh quân đội Học viện Quân y, Phó cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu, Cục Quân nhu, Viện trưởng viện dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch hội dinh dưỡng Việt Nam..

Giáo sư Từ Giấy là một nhà khoa học hàng đầu và danh tiếng của ngành dinh dưỡng Việt Nam, là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày nay, là người có công đầu trong xây dựng Viện Dinh dưỡng trở thành một viện đầu ngành, đóng góp thiết thực, to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cả một cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học, chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng và bữa ăn của người Việt Nam, Giáo sư Từ Giấy thực sự là một tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi vì sự nghiệp chung và có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương Thường Tín nói chung, xã Hà Hồi nói riêng… được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á – Thái Bình Dương bình chọn là “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” năm 1993; là “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” do Ủy ban dinh dưỡng Liên hợp quốc trao tặng và được tôn vinh là 1 trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng năm 2009.

Gắn biển tên đường mang tên danh nhân Từ Giấy

Ảnh: Bạch Thanh

Tên của ông được đặt cho tuyến đường từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Phi Khanh tại Tổ dân phố Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín, cạnh Trường mầm non Hoa Sen đến ngã ba giao cắt đường bao phía Tây thị trấn Thường Tín, giáp xã Văn Phú, cạnh Trường Cao đẳng Truyền hình. Dài: 580m; rộng: 5,5-7m (lòng đường 5m, vỉa hè mỗi bên từ 0,5-1m).

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhấn mạnh: Việc đặt tên 2 tuyến đường trên địa bàn huyện Thường Tín góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của mảnh đất danh hương, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc…

Đức Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *