Văn hóa cơ sở

Huyện Thường Tín giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa

Huyện Thường Tín là địa phương có nhiều di tích trong đó có 120 di tích được xếp hạng (bao gồm 61 di tích cấp Quốc gia, 59 di tích cấp Thành phố). Trong những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa luôn được huyện quan tâm đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả.

 

Lễ khởi công Dự án xây dựng và phát huy giá  trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc – nơi lưu giữ truyền thống khoa bảng, tôn vinh các bậc hiền tài tri thức của huyện.

Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện thường xuyên quan tâm, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Chương trình số 10 – CT/HU ngày 9/01/2012 về “Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh”; tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; ban hành Chương trình hành động số 24 – NQ/HU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Hàng năm, UBND huyện ban hành văn bản quản lý, rà soát di tích trên địa bàn huyện; kế hoạch chỉ đạo, tổ chức và quản lý lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc trong sinh hoạt lễ hội; nâng cao chất lượng công tác tổ chức và quản lý lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn huyện…

Để giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, công tác tuyên truyền đã được quan tâm, triển khai thường xuyên. Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Di sản văn hoá, Luật Di sản văn hoá, quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Công tác quản lý và sử dụng di tích được huyện phân cấp cụ thể. 100% di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đều do UBND huyện quản lý về Nhà nước và giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý sử dụng, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hoá, các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và của thành phố Hà Nội về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.  Đối với các di tích chưa được xếp hạng, giao UBND các xã, thị trấn quản lý toàn diện. Các xã, thị trấn cơ bản thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý, nhất là quản lý đất đai tại các di tích. Bên cạnh đó, các xã chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân cấp của UBND huyện; chủ động khai báo về di tích và đề xuất việc xếp hạng lên cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, đồng thời ngăn ngừa xử lý các hành vi vi phạm di tích.

Tam quan Chùa Đậu.

Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình “Hành trình di sản Thường Tín – đất trăm nghề”. Từ năm 2016 đến nay, đã có thêm 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình Nghệ thuật trình diễn Hát trống quân tại xã Khánh Hà. Năm 2017, huyện Thường Tín vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến. Đón nhận Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia đối với Xá lợi của 02 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi. Đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho nghề sơn mài ở Hạ Thái (Duyên Thái)… Tổ chức thành công Lễ hội khai bút đầu xuân trong 02 năm (2018, 2019) nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập.

Đến nay, huyện Thường Tín đã hoàn thành việc rà soát, thống kê di tích trên địa bàn huyện với tổng số 462 cơ sở tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng. Trong 4 năm qua, đã có thêm 07 di tích được xếp hạng: 05 di tích cấp Thành phố (đình Hoàng Xá – xã Thống Nhất, đình Phúc Am – xã Duyên Thái, Nhà thờ họ Doãn – xã Tô Hiệu, đình Thư Dương – xã Thư Phú; đình Phụng Công – xã Hòa Bình); 01 di tích được nâng từ xếp hạng cấp Thành phố lên cấp Quốc gia (đình Hạ Thái, xã Duyên Thái); 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia (đình Gia Khánh, xã Nguyễn Trãi), nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện lên 120 di tích (trong đó 61 xếp hạng cấp Quốc gia, 59 xếp hạng cấp Thành phố). Năm 2019 đề xuất xếp hạng thêm 03 di tích (đình Văn Giáp, đình Vũ xã Văn Bình; đình Đỗ Hà, xã Khánh Hà). Hoàn thành việc tu bổ tôn tạo đối với công trình: Di tích đền thờ Nguyễn Trãi,  xã Nhị Khê, hạng mục Trại Ổi – Ao Huê. Đang hoàn thiện dự án di tích chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp đối với 30 di tích trên địa bàn huyện với kinh phí 23, 6 tỷ đồng (Riêng đền Ngũ Xã với kinh phí hơn 10 tỷ đồng). Đề xuất xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt chùa Đậu; Tiến hành nghiên cứu, khảo sát đầu tư Khu dịch vụ kết hợp bãi đỗ xe tại di tích chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi.

Thực hiện triển khai đầu tư 03 dự án: “Đầu tư và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, xã Văn Bình, huyện Thường Tín” với kinh phí khái toán 42 tỷ đồng; “Xây dựng Trung tâm Văn hóa du lịch làng nghề huyện Thường Tín, TP. Hà Nội” với kinh phí 78 tỷ đồng; “Xây dựng khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín” với kinh phí hơn 146 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích cũng được huyện quan tâm chỉ đạo. Các nghi lễ trong lễ hội được tổ chức trang nghiêm, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi địa phương, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan. Hiện nay, toàn huyện có 6 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức hàng năm. Những lễ hội mang tính chất vùng, thu hút nhiều du khách đều được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá, quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội và du khách như: Hội đền Bộ Đầu – xã Thống Nhất; Hội Lộ – xã Ninh Sở; chùa Đậu – xã Nguyễn Trãi…

Với những nỗ lực trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, huyện Thường Tín đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực trong thực hiện Chương trình số 10 – /HU của Huyện ủy Thường Tín “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh”.

Minh Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *