Tin tức - Sự kiện

Khai mạc Lễ hội Bình Đà và công bố Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”

Tối 12/4/2024 (tức mùng 4/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích đình Nội, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Ban Tổ chức Lễ hội Bình Đà tổ chức khai mạc Lễ hội Bình Đà và công bố Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, các đại biểu và đông đảo Nhân dân dự khai mạc Lễ hội Bình Đà

Biểu diễn Trống hội chào mừng

Dự khai mạc Lễ hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Khuất Hữu Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; đại diện Cục Di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam; đại diện các sở, ngành thành phố Hà Nội; Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình; Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng; Ban Quản lý di tích đình Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ…

Trước khi khai mạc Lễ hội, Đoàn đại biểu do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thành kính dâng hương Đức Quốc tổ Lạc Long Quân tại đình Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu dâng hương tại Khu di tích đình Nội

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh, huyền thoại cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng đã khẳng định, tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên-Rồng. Hình tượng cha Rồng, mẹ Tiên mang đậm tính nhân văn sâu sắc, truyền thống đó là nền tảng tinh thần vững chắc được người Việt qua các thời đại hun đúc trở thành bản lĩnh kiên cường, tinh thần yêu nước, đoàn kết bên nhau với ý thức cùng chung cội nguồn xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Từ bao đời nay, người dân Thanh Oai cùng con, cháu thập phương luôn thành tâm dâng hương kính lễ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng phát biểu khai mạc

Đình Nội Bình Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Lễ hội Bình Đà được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014. Đặc biệt, bức Phù điêu (Bức giá tượng) độc bản được lưu giữ trong đình Nội chạm nổi hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân cùng với các lạc tướng, lạc hầu, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, sự thành tâm công đức của đồng bào và du khách mọi miền đất nước, Khu di tích đình Nội tiếp tục được tu bổ, tôn tạo, quy hoạch mở rộng, xứng tầm là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và xây dựng hồ sơ đề nghị nâng cấp lên cấp quốc gia đặc biệt.

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đánh trống khai hội

Lễ hội Bình Đà là một trong những lễ hội lớn của vùng nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Trải qua bao thăng trầm, Lễ hội Bình Đà vẫn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa. Cùng với thời gian, Lễ hội Bình Đà ngày càng lan tỏa, phát triển thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.

Đã thành lệ, vào dịp Lễ hội đều có đoàn đại biểu Ban Quản lý di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) về dâng hương Đức Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của đình Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Đức Quốc tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày mùng 10/3 âm lịch.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”

Năm 2024, Lễ hội Bình Đà được tổ chức quy mô cấp huyện. Chương trình Lễ hội chính thức được diễn ra từ ngày 12/4-14/4/2024 (tức từ ngày 4/3-6/3 năm Giáp Thìn). Ngoài các nghi thức tế lễ, dâng lễ tại đình Nội và đình Ngoại, tế Thiên quan; lễ rước, thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc. Đáng chú ý là chương trình khai mạc Lễ hội Bình Đà với màn nghệ thuật đặc sắc, cùng chuỗi các hoạt động phong phú như: Liên hoan biểu diễn Trống hội; Liên hoan Lân Sư Rồng huyện Thanh Oai mở rộng; huyện Thanh Oai phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức xây dựng Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội” được công bố tại khai mạc Lễ hội Bình Đà.

Màn nghệ thuật đặc sắc 

Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối Trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng. Định hình nên các tuyến du lịch nội đô, trên cơ sở đó các đơn vị, doanh nghiệp du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cung cấp các dịch vụ có chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.

Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội” có 3 điểm đến du lịch đại diện cho hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long – Hà Nội: Đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ – Truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam. Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc, cách sắp đặt tăm hương và nét đẹp văn hóa địa phương. Làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đưa du khách trải nghiệm các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải; trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen làm nên sản phẩm độc đáo./.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *