Tin ngành

Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022 đã thành công tốt đẹp

Được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chiều ngày 31/10, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022.

Liên hoan được tổ chức từ ngày 11/10 đến ngày 13/10/2022 tại 3 Cụm: Trung tâm Văn hóa Thành phố, Khu di tích đình Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) và UBND xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ). Liên hoan tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022).

Liên hoan nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; giới thiệu, quảng bá tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, điệu múa dân gian truyền thống độc đáo, mang đậm sắc thái riêng của từng vùng miền.

Thông qua Liên hoan để giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. 

Theo đánh giá của NSND Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội – Trưởng ban Giám khảo về chất lượng nghệ thuật tại Liên hoan: 66 tiết mục được các nhạc sĩ, biên đạo tư duy dàn dựng thông qua tài năng khéo léo, tinh tế, tâm huyết của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các thế hệ trình diễn, sắp đặt, sáng tạo bằng cả trái tim, bằng những suy cảm tinh tế, chứa đựng sâu thẳm trong đó là tình yêu cháy bỏng với những vốn quý của nền nghệ thuật dân gian dân tộc. 25 tiết mục hát dân ca ở nhiều thể loại như đơn ca, song ca, tốp ca, hát múa… được dàn dựng công phu, cách hát tinh tế, mềm mại, nhẹ nhàng, kỹ thuật đồng đều, chững chạc, hoàn chỉnh để trình diễn, chuyển tải thông điệp nội dung bài hát đúng với tính chất dân ca của các vùng miền. Tiêu biểu là các tiết mục: “Tây Hồ hoài cổ” của huyện Đông Anh, quận Tây Hồ; hát múa “Thập âm phụ mẫu” – huyện Thanh Trì; “Lý giao duyên” – quận Hà Đông; “Gửi nắng Ba Đình” – quận Long Biên; “Lý cây đa” – quận Hai Bà Trưng; “Xuân về mãi mãi điệu Then” – quận Đống Đa; “Hát mừng Thăng Long” – quận Thanh Xuân; “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” – quận Nam Từ Liêm; “Gió đánh đò đưa” – quận Bắc từ Liêm; “Con nhện giăng mùng” – huyện Gia Lâm; “Buôn bấc buôn dầu” – huyện Chương Mỹ; “Dương xuân” – quận Ba Đình; “Bến nhà Rồng” – quận Hoàn Kiếm… Qua các bài hát dân ca, khán giả đã cảm nhận được mỗi nơi, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có nét độc đáo khác nhau.

21 tác phẩm múa dân gian dân tộc và nhiều tiết mục múa phụ họa cho hát, nhạc cụ dân tộc với các đề tài phong phú, thể hiện khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi tình đoàn kết giữa các dân tộc, tình yêu lứa đôi, xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới, nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc… Tiêu biểu như các tiết mục: “Sắc Mông” của quận Tây Hồ; “Những bông hoa núi rừng” – huyện Thanh Trì; “Chầu Then” – huyện Thường Tín; “Rừng cọ” – quận Hai Bà Trưng; “Xênh bản, xênh Mường” – huyện Đông Anh; “Mừng gạo mới” – huyện Gia Lâm, quận Long Biên; “Qua miền Tây Bắc” – quận Hà Đông; “Vũ điệu đoàn kết” – quận Ba Đình; “Quá tẳng tẩu sai” – quận Hoàng Mai… Các tác phẩm múa đều được lấy từ chất liệu truyền thống nguyên bản, được thổi hồn vào đó hơi thở thời đại nhưng vẫn đảm bảo hàm chứa nét riêng, độc đáo của các dân tộc. Rất nhiều trong số các tác phẩm múa đều bám sát vũ đạo gốc múa dân gian dân tộc để phát triển, trong đó các động tác, đội hình, tuyến múa hình tượng và tình cảm đều gửi gắm thêm nét tinh hoa dân tộc với kỹ thuật đồng đều, thuần thục, hoàn chỉnh, điêu luyện trong những bộ trang phục phù hợp với nội dung tác phẩm, giúp cho các vũ công vừa thoải mái biểu diễn, giải phóng cơ thể nhưng vẫn đảm bảo được sự kín đáo theo thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đây là những cỗ gắng của các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý, xây dựng phong trào trong nhiều năm qua.

20 tác phẩm độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc của các quận, huyện, thị xã, điểm nổi bật là sự điêu luyện của các nhạc công khi dàn dựng, tập luyện các tác phẩm công phu và trình diễn với kỹ thuật cao, thể hiện tốt nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Từ đó nâng cao năng lực cảm nhận của người xem theo chiều hướng cuốn hút, ngỡ ngàng, thích thú. Tiêu biểu như tiết mục hòa tấu “Cánh chim tự do” của quận Tây Hồ; “Cô gái vót chông” – huyện Đông Anh; “Quê ta” – huyện Thanh Trì; “Cung đàn đất nước” – huyện Gia Lâm; “Kể chuyện ngày mùa” – quận Long Biên, quận Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức; “Xuân về bản Mèo” – quận Ba Đình, quận Hà Đông; “Trống hội hào khí Thăng Long” – huyện Chương Mỹ; “Mưa trên phố Huế” – huyện Quốc Oai; “Ngược dòng Hương Giang” – quận Hai Bà Trưng… Kết quả đó có được là nhờ sự đóng góp công sức, nỗ lực tuyệt vời của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên khi cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tác phẩm đặc sắc tham gia Liên hoan.

Bên cạnh những điểm mạnh, Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022 vẫn còn đọng lại một số suy tư với những người làm công tác quản lý và xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở các quận, huyện, thị xã: Mong muốn Liên hoan phải thực sự là sân chơi của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, có như vậy khi trở về địa phương mới phát huy tốt trong các chương trình biểu diễn, tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác chuẩn bị để xây dựng chương trình tham gia Liên hoan cần được chú trọng hơn, tránh thiếu sót hoặc không đủ tiêu chí theo yêu cầu của Liên hoan. Một số đơn vị chưa chú trọng đầu tư vào luyện tập chương trình mà nhặt, lắp ghép những tiết mục có sẵn trong các cuộc thi khác để mang đến Liên hoan. Công tác chuẩn bị trước khi biểu diễn cũng là một vấn đề cần được quan tâm, nhất là các đơn vị có dàn nhạc dân tộc. Khi ra biểu diễn, các cây trong dàn nhạc phải đảm bảo micro tốt thì chất lượng tiết mục mới hay. Một số tác phẩm múa sử dụng âm nhạc trên mạng internet, cắt, ghép, chất lượng âm nhạc không tốt, kết cấu múa đơn giản, ngôn ngữ gượng ép, không đúng với chủ đề múa dân vũ. Một số múa phụ họa dàn dựng bị lạm dụng, cẩu thả, lấn át hết diễn viên biểu diễn chính, NSND Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Đánh giá về công tác tổ chức Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022, bà Lý Thị Thúy Hạnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố nhấn mạnh: Định kỳ 3 năm Liên hoan Dân ca, dân vũ được tổ chức. Đây là hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân Thủ đô. Liên hoan Dân ca, dân vũ – Hà Nội năm 2022 diễn ra trọn vẹn, Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng của các đơn vị. Việc tham gia Liên hoan Dân ca, dân vũ của các đoàn nghệ thuật thuộc các quận, huyện, thị xã không chỉ thể hiện trách nhiệm xây dựng phong trào văn nghệ mà còn là nơi các đơn vị thể hiện tài năng, giao lưu gặp gỡ, học hỏi để chắt chiu kinh nghiệm trong công tác văn hóa quần chúng. Đây cũng là nỗ lực không ngừng của Trung tâm Văn hóa Thành phố nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy nghệ thuật dân gian, dân vũ và nhạc cổ truyền; đồng thời tôn vinh nét đẹp, sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại…

Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị.

Nhân dịp tổng kết Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất chương trình cho huyện Đông Anh; trao 5 giải Nhì chương trình cho quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì, quận Long Biên, quận Ba Đình, quận Hà Đông; 10 giải Ba chương trình cho quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân, huyện Gia Lâm, quận Nam Từ Liêm, quận Đống Đa, huyện Chương Mỹ, quận Bắc Từ Liêm, huyện Quốc Oai, quận Hoàn Kiếm, huyện Hoài Đức; 6 giải Khuyến khích chương trình cho quận Hoàng Mai, huyện Phúc Thọ, huyện Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây, huyện Ứng Hòa, huyện Thường Tín. Ban Tổ chức cũng trao các giải Khuyến khích chuyên đề gồm: Tiết mục có múa phụ họa sáng tạo – tiết mục “Hồ Tây hoài cổ” – quận Tây Hồ; Dàn nhạc trẻ triển vọng – tiết mục “Kể chuyện ngày mùa” – quận Long Biên; Chương trình có phong trào cơ sở – huyện Phúc Thọ; Tiết mục có nhiều thế hệ tham gia – tiết mục “Hát mừng Thăng Long” – quận Thanh Xuân; Tiết mục múa ấn tượng – tiết mục “Mừng gạo mới” – huyện Gia Lâm; Tiết mục trình diễn dân ca ấn tượng – tiết mục “Xuân về vang mãi điệu Then”- quận Đống Đa; Tiết mục độc tấu nhạc cụ hấp dẫn – tiết mục “Kể chuyện ngày mùa” – biểu diễn Việt Dũng – quận Bắc Từ Liêm; Tiết mục tốp ca chèo ấn tượng – tiết mục “Gửi nắng Ba Đình” – quận Hoàng Mai; Tiết mục tốp ca nam ấn tượng – tiết mục “Hát về Tổ quốc hôm nay” – huyện Sóc Sơn; Tiết mục trình diễn dân vũ ấn tượng – tiết mục “Chầu Then” – huyện Thường Tín; Dàn nhạc truyền thống – huyện Ứng Hòa; Đơn vị tổ chức phong trào từ cấp Cơ sở – quận Long Biên, quận Thanh Xuân, quận Bắc Từ Liêm, huyện Sóc Sơn.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *