Văn hóa cơ sở

Nâng cao công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích – lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện Đan Phượng

Đan Phượng là huyện ngoại thành ở phía Tây của thủ đô Hà Nội, được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, thả diều, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và đa dạng, hầu hết mỗi làng, thôn đều có sự tồn tại của những ngôi chùa, đình, quán, miếu.

Theo số liệu thống kê, huyện Đan Phượng có 155 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 36 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở Hạ Mỗ; di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở Đan Phượng… Đây chính là niềm, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn huyện Đan Phượng và của Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản đó.

Đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Internet.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về việc xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô; bảo tồn và kế thừa có chọn lọc những tinh hoa, đặc sắc di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch “Nâng cao công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích – lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện năm 2023”. Qua đó cũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, thực hiện kiện toàn Ban quản lý di tích cấp xã, Tiểu ban quản lý di tích ở cơ sở. Rà soát danh mục di tích; khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng trên địa bàn huyện theo quy định; Huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn di sản, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp Nhân dân; đặc biệt là các di tích xuống cấp, xuống cấp nặng, chưa cân đối được nguồn ngân sách tu bổ, tôn tạo.

Theo đó, UBND huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, hoàn thành kiện toàn Ban quản lý di tích cấp xã, Tiểu ban quản lý di tích ở cơ sở. Xây dựng kế hoạch nâng hạng, xếp hạng di tích; Tổ chức kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định. Lập phương án bảo tồn, đầu tư tu bổ, tôn tạo theo từng loại hình, giá trị và mức độ xuống cấp của di tích, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về việc bảo tồn, tu bổ; tôn tạo theo định hướng phát triển của huyện. Chú trọng các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng cấp Quốc gia và Thành phố, di tích cách mang kháng chiến và những di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; hợp tác, nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; biên soạn các ấn phẩm về di tích trên địa bàn huyện theo loại hình, giá trị di tích. Tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện sai phạm; kiên quyết và kịp thời xử lý các sai phạm về tu bổ di tích; có phương án khắc phục, không để tái diễn tình trạng xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích không phép, sai phép tại các địa phương.

Việc triển khai kế hoạch “Nâng cao công tác quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng trên địa bàn huyện Đan Phượng năm 2023” gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật và Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch đang triển khai; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện. Qua đó cũng nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di tích trên địa bàn đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Phương Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *