Tin tức - Sự kiện

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sơ kết 6 tháng đầu năm 2022

Chiều 15/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị. Cùng dự và điều hành Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt. Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo UBND 23 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin,Thể thao và Du lịch.

Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cùng đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Văn phòng UBND Thành phố, Trưởng các Phòng và đại diện các khối trực thuộc.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bên cạnh những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, toàn ngành đã cùng vượt khó, tạo nên nhiều dấu ấn đáng trân trọng. Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, các lĩnh vực công tác của Ngành đã được tập thể lãnh đạo Bộ chỉ đạo “từ sớm, từ xa”, trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch đề ra.

Để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, phát động và triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Về thể chế, Bộ chủ động tham mưu Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia ý kiến dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).

Về lĩnh vực Thể thao, SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 đạt thành tích xuất sắc, ghi dấu ấn lịch sử, giành 446 huy chương, gồm 205 huy  chương Vàng, 125 huy chương Bạc, 116 huy chương Đồng, phá 21/41 kỷ lục tại  Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Lặn, Xe đạp, Cử tạ. Đặc biệt, tiếp tục bảo vệ  thành công huy chương Vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương Vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.

Du lịch phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế  đến Việt Nam ước đạt 413.400 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 60,8 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Điểm cầu Hà Nội

Hội nghị đã nghe 11 ý kiến của các đại biểu. Các ý kiến không chỉ dừng lại ở những kết quả đã làm được mà còn thẳng thắn nêu những việc phải thực hiện trong thời gian tới, kiến nghị đề xuất với lãnh đạo Bộ để tháo gỡ khó khăn với quyết tâm chính trị cao nhất là xây dựng ngành VHTTDL ngày càng vững mạnh, định vị vị trí và thương hiệu của Bộ trong mối tương quan với các Bộ, ngành; tiếp tục làm rõ và xác định trách nhiệm đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế và chính trị.

Nhìn nhận lại kết quả 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng. Thành công bước đầu rõ nét là đã chuyển tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. 4 bộ luật trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì, 2 bộ luật do Bộ phối hợp đã được Quốc hội thông qua, có bộ luật đã cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp tới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để ngành thực thi công việc của mình bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo nguồn lực cho sự phát triển.

Điểm nhấn quan trọng khác là ngành đã tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, các địa phương nâng cao nhận thức về văn hoá, đặt văn hóa ngang với chính trị và kinh tế, để có sự đầu tư thoả đáng hơn cho văn hoá. “Điều cần trân trọng là không chỉ những địa phương có điều kiện về ngân sách mà nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng tỉ lệ đầu tư cho văn hóa. Đó là dấu ấn đẹp. Nhiều địa phương cho biết mức chi cho văn hoá đã vượt mức 4% tổng chi ngân sách địa phương…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

6 tháng cuối năm, toàn ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”. Bộ trưởng lưu ý, đầu tiên phải hướng vào xây dựng thể chế. Đây là khâu mà Bộ đang thiếu và yếu, cần phải dành nhiều thời gian và công sức. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm. Các địa phương cần phải đóng góp những gì để sau khi Đề án được ban hành, sẽ có được bóng dáng các địa phương trong đó.

Tiếp đến là tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới quốc gia về văn hoá và thể thao; xây dựng quy hoạch về điểm đến và khu du lịch để thu hút đầu tư. Xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó phải chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải tạo sự chuyển biến thực chất về văn hóa ở cơ sở. Và trong việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở cần chú ý đến văn hóa nghệ thuật để đáp ứng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

V.H (t/h)

Ảnh: Quý Lượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *