Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nghệ nhân tài hoa “thổi” mây vào gốm

Những chiếc bình gốm được đan mây bên ngoài mang lại vẻ đẹp mới lạ, hội tụ tinh hoa của làng nghề truyền thống, được người tiêu dùng, các chuyên gia đánh giá cao. Sản phẩm đạt huy chương Vàng tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2006…

Nói đến phụ nữ khéo nghề ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nghệ nhân Nguyễn Thị Hân luôn được mọi người nhắc đến.

Sinh năm 1981, lấy chồng về Phú Vinh, chỉ sau 8 năm theo nghề, năm 2011, người thợ mây tre đan Nguyễn Thị Hân đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Thời điểm đó, chị là một trong những nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất ở Phú Vinh.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân

Chị Nguyễn Thị Hân kết duyên vợ chồng với anh Hoàng Văn Hạnh, trong gia đình có nhiều thế hệ theo nghề mây tre đan. Chị may mắn được truyền dạy nghề, được sống trong môi trường làm việc tràn ngập tình yêu, niềm đam mê, sáng tạo bất tận với mây tre đan. Sự ham học hỏi đã giúp chị có được bước đi nhanh chóng khi uốn những sợi mây, thanh tre vốn cứng cáp, chắc chắn thành sản phẩm trang sức, phụ kiện thời trang tinh tế, đẹp mắt. Các món đồ trang sức, sản phẩm thời trang làm đẹp cho phụ nữ tuy giản dị nhưng thật mới lạ như túi xách, vòng tay, khuyên tai, nhẫn,… xuất hiện những năm gần đây, do nghệ nhân Nguyễn Thị Hân là người đầu tiên ở Phú Vinh làm ra, sản phẩm độc đáo này được xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Sản phẩm trang sức làm từ mây, tre

Chị kể, trong một lần sang Bát Tràng chơi, thấy say mê những sản phẩm gốm Bát Tràng vì vẻ đẹp tinh xảo trên từng chi tiết, đường nét. Chị đã lên ý tưởng làm một bình gốm được chế tác gồm hai phần: phần trên tráng lớp men màu nâu pha vàng, phần dưới để nguyên lớp đất nung, đây là nơi mây, gốm hội tụ, tùy từng sản phẩm mà chế tác cho phù hợp. Chấp nhận không ít thất bại, phải bỏ đi một số mẫu mã không bảo đảm chất lượng, cuối cùng, chị gặt hái thành công khi kết hợp giữa mây và gốm. Những chiếc bình gốm được đan mây bên ngoài mang lại vẻ đẹp mới lạ, hội tụ tinh hoa của làng nghề truyền thống, được người tiêu dùng, các chuyên gia đánh giá cao. Sản phẩm đạt huy chương Vàng tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2006, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị, khiến chị say mê hơn với nghề và mạnh dạn hơn với những sáng tạo. Chị Hân còn làm thêm nhiều sản phẩm mây, gốm như khay trà, lọ hoa, túi xách… Những mẫu sáng tạo đem lại cho chị nhiều giải thưởng khác nhau và đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Xưởng mây tre đan của chị tạo việc làm cho hơn 20 lao động, sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Mẫu sản phẩm độc đáo kết hợp giữa mây và gốm 

Năm 2023, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội vinh danh trong Chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân tiêu biểu làng nghề Hà Nội và quảng bá giới thiệu làng nghề của Thủ đô”.

Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân vẫn luôn trăn trở. Chị cho rằng mỗi làng nghề được phát triển, chỉ phụ thuộc vào đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân thôi là chưa đủ. Chị mong muốn nghĩ đến làng nghề, là người ta nghĩ ngay đến một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm thú vị. Có được sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, cùng với việc mỗi nghệ nhân, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch quảng bá, làng nghề sẽ phát triển lên một tầm cao mới, bền vững, vươn xa.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *