Di sản – Bảo tồn

Nơi lưu giữ nghệ thuật Tuồng cổ

Thật hiếm có nơi nào như Xuân Nộn, niềm yêu mến và trân quý nghệ thuật tuồng được mọi người dân có ý thức giữ gìn, lưu giữ, mặc cho những thăng trầm của thời gian.

Xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh nổi tiếng là đất tuồng, nơi lưu giữ vốn văn hóa nghệ thuật tuồng cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Thế nên không lạ gì khi trong một xã mà có tới 3 đội tuồng, một đội tuồng người lớn và 2 đội tuồng đồng ấu. Tuồng Xuân Nộn đã nhiều lần đem quân đi thi đấu và luôn vang danh thiên hạ khi liên tiếp giành thắng lợi, với những giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan sân khấu, đến nỗi nay đến hỏi, người Xuân Nộn vẫn không nhớ hết bao nhiêu huy chương, giải thưởng nữa.

Nơi lưu giữ nghệ thuật tuồng

Thật hiếm có nơi nào như Xuân Nộn, niềm yêu mến và trân quý nghệ thuật tuồng được mọi người dân có ý thức giữ gìn, lưu giữ, mặc cho những thăng trầm của thời gian. Vì vậy, không ngạc nhiên gì khi suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, giữa bom rơi đạn nổ, nhưng đội Tuồng Xuân Nộn vẫn mang những vở tuồng đi biểu diễn, không chỉ tại địa phương mà còn đi nhiều quận, huyện của Hà Nội và một số tỉnh, thành khác để động viên tinh thần chiến đấu của quân, dân miền Bắc. Người xem yêu mến và ghi nhớ mãi những trích đoạn tuồng, vở tuồng về thành Cổ Loa, về Bà Trưng, Bà Triệu. Đặc biệt, năm 1994, đội tuồng Xuân Nộn đã tham gia Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên phía Bắc với vở diễn “Nhất Gia sinh lưỡng trạng” và đạt tiết mục xuất sắc. Hội đồng giám khảo, Ban chỉ đạo liên hoan và bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về diễn xuất và chất lượng nghệ thuật của vở diễn. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu ngỡ ngàng  vì tuồng không chuyên Xuân Nộn mà vẫn giữ được cốt cách của tuồng cổ.

Một buổi tập của đội tuồng Xuân Nộn

      Người dân thường truyền nhau câu: Phi Tuồng bất thành hội (không có Tuồng thì không phải hội hè). Niềm yêu mến tuồng được các thế hệ người Xuân Nộn lưu truyền, từ những đứa trẻ vừa hết mẫu giáo đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy, ươm mầm yêu mến nghệ thuật truyền thống của quê hương. Xã Xuân Nộn có hai thôn là Đường Yên và Lương Quy thì cả 2 thôn đều có truyền thống yêu mến và lưu giữ các giá trị tuồng cổ và đã thành lập 3 câu lạc bộ Tuồng, với khoảng 100 diễn viên.

Những người trẻ yêu tuồng

Tuồng được truyền dạy cho các thế hệ trẻ và được các em đón nhận nhiệt tình. Vì vậy xã Xuân Nộn đã thành lập ra 2 đội tuồng đồng ấu để việc kế thừa văn hóa truyền thống được kế thừa liên tục. Từ 1990 đến nay, đã có mấy thế hệ Tuồng đồng ấu trưởng thành.

Từ đội tuồng đồng ấu, đã có nhiều em đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và học ở trường Sân khấu điện ảnh, như trường hợp Đỗ Thanh Nga và Nguyễn Ngọc Cường. Các em  đã trở thành diễn viên của Nhà hát Tuồng Trung ương.

Đội tuồng đồng ấu

     Các đội tuồng đồng ấu của Xuân Nộn đã tập hợp được nhiều em nhỏ có niềm đam mê Tuồng. Tuồng là một môn nghệ thuật tổng hợp và khó học bởi diễn viên vừa hát, vừa phải biểu diễn vũ đạo như lăn, lê, bê, xiến. Đã vậy, gương mặt người diễn viên phải thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm khác nhau. Đào tạo được một diễn viên tuồng rất khó và tốn thời gian. Vì vậy phải đào tạo từ nhỏ mới dễ thành công. Rất may, ở Xuân Nộn, mỗi đứa trẻ lớn lên đều thấy ông bà, bố mẹ, anh chị, hay bạn bè mình diễn Tuồng và được khuyến khích gắn bó với tuồng nên các cháu say mê.

Về phía huyện Đông Anh, nhiều năm qua huyện đã có nhiều đầu tư về vật chất và tinh thần cho tuồng. Huyện còn ban hành các đề án, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị các môn nghệ thuật truyền thống ở địa phương, trong đó có nghệ thuật tuồng. Đây là động lực to lớn giúp cho tuồng Đông Anh nói chung, tuồng Xuân Nộn nói riêng luôn được phát huy, giữ gìn.

Quỳnh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *