Tin ngành

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Tọa đàm thu nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người thực hành di sản trong việc xây dựng cơ chế, chính sách “tiếp sức” để nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản…

Ngày 31/3/2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại tọa đàm.

Ảnh: Nguyễn Thanh

Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số lượng di sản với 1.793 di sản ở nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tri thức dân gian đến phong tục, tập quán dân gian. Thành phố cũng sở hữu cộng đồng gìn giữ, trao truyền di sản lớn mạnh, với số lượng nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu dẫn đầu cả nước. Trong đó, riêng đợt đề nghị phong tặng danh hiệu mới nhất (lần thứ 3 năm 2022), Hà Nội có 71 nghệ nhân được đề nghị phong tặng các danh hiệu. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội còn nhiều khó khăn, tồn tại, trong đó có những khó khăn về chế độ đãi ngộ hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố đến năm 2025; trong đó giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, trình HĐND thành phố xem xét, ban hành nghị quyết.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong những năm qua, nguồn kinh phí của thành phố dành cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh thông tin thêm:  “Các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tuy có sự hỗ trợ một phần của địa phương, song chủ yếu vẫn do các thành viên tự đóng góp dẫn đến thiếu kinh phí để mua sắm trang phục, đạo cụ luyện tập; thiếu kinh phí để truyền dạy, giao lưu, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng”. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện thiếu nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể. Phần lớn số người  thực hiện gìn giữ, trao truyền di sản của Hà Nội tuổi đã cao, sức yếu, thu nhập thấp và không ổn định nên đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), hơn 40 năm toàn tâm, toàn ý cho công tác khôi phục di sản ở địa phương, góp phần đưa làn điệu hát dô từ nguy cơ thất truyền trở lại mạnh mẽ với đời sống đương đại, bà chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào, trong khi đời sống kinh tế rất khó khăn. Tương tự, nghệ nhân hát xẩm Phan Thị Kim Dung (quận Thanh Xuân) cho biết, hoạt động truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ ở địa phương hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiệt tình, tâm huyết của người thực hành di sản, kinh phí hoạt động còn rất eo hẹp. Việc thành phố chủ trương tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ trong giai đoạn này mang ý nghĩa to lớn, góp phần động viên, hỗ trợ lớp người nắm giữ di sản tiếp tục cống hiến để duy trì vốn văn hóa quý giá của cộng đồng.

Trên cơ sở tham khảo nhiều địa phương đã và đang xây dựng, thực hiện chính sách, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội dự kiến đề xuất 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ khác nhau, gồm: Chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan.

Với việc xây dựng chính sách đãi ngộ nghệ nhân, Hà Nội đang khẳng định quyết tâm trong việc thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa. Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Hội Di sản văn hóa Thăng Long cho biết: “Hội đã thực hiện một khảo sát nhỏ ở cơ sở để khẳng định, nhu cầu về hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn di sản là có thật. Dù ở mức độ nào, thì chính sách này cũng là nguồn động viên thiết thực để nghệ nhân tiếp tục hành trình gìn giữ di sản. Tôi cũng cho rằng, cần phân định các mức hỗ trợ cho từng đối tượng, bảo đảm tính công bằng, phát huy hiệu quả”.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cùng với chính sách hỗ trợ, thành phố có thể thành lập một quỹ tài trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam (ngoài cùng bên phải), Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) đệm đàn đáy cho ca nhi tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù thành phố Hà Nội năm 2019.

Ảnh Nguyễn Thanh

Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, thu nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người thực hành di sản trong việc xây dựng cơ chế, chính sách “tiếp sức” để nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố đến năm 2025. Việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân sẽ tiếp sức rất lớn cho đội ngũ nghệ nhân trên hành trình lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long – Hà Nội, sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, tọa đàm đã làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề. Tổ soạn thảo chính sách sẽ tập hợp, bổ sung ý kiến để xây dựng dự thảo chất lượng, hiệu quả, góp phần để  Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội được ban hành trong thời gian sớm nhất.

Thanh Hà

(Theo Hànộimới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *