Thế thao thành tích cao

Thể thao Việt Nam lên đường tham dự Olympic Rio 2016: Hành trình chinh phục bắt đầu

Trong số 23 tuyển thủ Việt Nam đến với kỳ thế vận hội, Hà Nội có đến 8 suất (chiếm hơn 30%) ở các môn Vật, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ và Cử tạ

Theo kế hoạch, vào tối 20/7 tới đây, Lễ xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016 sẽ được tổ chức trọng thể tại khách sạn Melia (Hà Nội). Cuộc hành trình mới chinh phục đấu trường thế vận hội chính thức bắt đầu mà ở đó, có cả sự kỳ vọng hiện tại lẫn ước mơ cho tương lai.

TTVN xuat quan
Ngày 28/7 tới, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Brazil tham dự Olympic Rio 2016

1. Bắt đầu từ Moskva 1980, Thể thao Việt Nam đã tham dự 8 kỳ thế vận hội và liên tục từ năm 1988 tới nay. Tuy nhiên, quá trình chinh phục đỉnh Olympia chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2000, khi lần đầu thể thao nước nhà có tuyển thủ vượt qua vòng đấu chính thức và chính từ đó, Trần Hiếu Ngân đã mang về tấm HCB lịch sử ở hạng 57kg nữ của môn Taekwondo.
Tới Olympic Bắc Kinh 2008, kỳ tích ấy lặp lại khi lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn đứng ngôi á quân hạng 56kg để thực sự đưa Thể thao Việt Nam chuyển hướng mục tiêu khi đến với Thế vận hội. Đó là phấn đấu có nhiều hơn các suất tham dự chính thức thông qua vòng loại châu lục, thế giới và quan trọng hơn là phấn đấu có huy chương ở một số môn thế mạnh.
Dĩ nhiên, huy chương Olympic là điều không hề dễ dàng với bất kỳ nền thể thao còn đang phát triển nào và thể thao Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhưng ở vế đầu tiên của mục tiêu chung là những bước tiến lịch sử.
Đến với Olympic Rio 2016, đoàn thể thao Việt Nam có tới 23 VĐV tranh tài ở 10 bộ môn gồm: Kiếm, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cầu lông, Rowing, Điền kinh, Judo, Vật, Cử tạ và Bơi. Trong số này, hi vọng huy chương được đặt vào những Thạch Kim Tuấn (cử tạ); Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), các tuyển thủ đã đạt tới đẳng cấp thế giới.

2. Nhưng như đã đề cập, dù kỳ vọng là rất lớn và cơ hội là có thật, thì chuyện giành được thêm chỉ là một tấm huy chương bất kể màu gì tại đấu trường Olympic cũng là chuyện cực khó, bởi xét cho cùng vẫn còn khoảng cách đáng kể về chuyên môn.
Vậy nên, mục tiêu thực sự nhất vẫn là tiếp tục nhắm tới nhiều hơn các suất tham dự chính thức và thông qua vòng đấu loại Olympic vốn rất khắc nghiệt để rèn luyện, nâng cao trình độ VĐV, từ đó thu hẹp khoảng cách về chuyên môn với mặt bằng thế giới, phục vụ cho những đấu trường vừa sức hơn như ASIAD, SEA Games.
Đây cũng chính là con đường mà Thể thao Hà Nội đã lựa chọn trong nhiều năm qua và Olympic Rio chính là thành công bước đầu. Trong số 23 tuyển thủ Việt Nam đến với kỳ thế vận hội, Hà Nội có đến 8 suất (chiếm hơn 30%) ở các môn Vật, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ và Cử tạ – Một con số cũng là kỷ lục để khẳng định vị thế của trung tâm hàng đầu thể thao quốc gia.
Quan trọng hơn, việc tập trung đầu tư cho các tuyển thủ, đặc biệt là các tuyển thủ trẻ được thi đấu cọ xát đỉnh cao, cũng giúp Hà Nội không chỉ thành công ở vòng loại Olympic Rio mà còn có lực lượng sẵn sàng chinh phục các kỳ thế vận hội kế tiếp cũng như nhiều sân chơi lớn khác. Đó chính là cách đầu tư cho tương lai!

Sau lễ xuất quân vào ngày 20/7, tới ngày 28/7, đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Brazil. Olympic Rio 2016 sẽ chính thức khai mạc ngày 05/8 và bế mạc ngày 21/8 quy tụ hơn 10.500 VĐV đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ tranh tài ở 306 nội dung trong 28 môn thể thao.

NGỌC DŨNG

Theo Thể thao ngày nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *