Di sản – Bảo tồn

Thị xã Sơn Tây giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản

Các di sản trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và Nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa – du lịch…

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 244 di tích. Các di tích của Sơn Tây gồm các di tích lịch sử, kiến trúc, danh lam thắng cảnh, làng cổ, đền đài, lăng mộ, đình, chùa và di tích cách mạng. Các di tích được xếp hạng của thị xã Sơn Tây, gồm: Di tích Quốc gia 3 di tích, 01 di tích Quốc gia đặc biệt, còn lại là các di tích cấp tỉnh, thành phố. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thị xã Sơn Tây luôn được chú trọng; công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được thị xã Sơn Tây quan tâm, thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tinh thần của Hội nghị Văn hóa Toàn quốc.

Đáng lưu ý, những năm qua, thị xã Sơn Tây đã kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa, góp phần vào việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích. Thị xã cũng chú trọng đến việc xếp hạng các di tích. Từ năm 2021 – 2022, đã xếp hạng 5 di tích cấp thành phố và nâng cấp xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt Thành cổ Sơn Tây. Năm 2022, thị xã đã tổ chức Lễ kỷ niệm và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt Thành cổ Sơn Tây, tổ chức thành công khai trương phố đi bộ Sơn Tây gắn với năm du lịch Quốc gia xứ Đoài. Thị xã Sơn Tây cũng đã làm tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội gắn với các di tích, di sản trên địa bàn; làm tốt việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng hình ảnh đẹp về lễ hội và các di tích, di sản trên địa bàn thị xã. Những kết quả trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội thời gian qua của thị xã Sơn Tây đã được Thành phố  ghi nhận và đánh giá cao.

Thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, từ năm 2015 – 2020, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quyết định số 4142/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”; trong đó có việc đầu tư tu bổ các di tích được xếp hạng đã bị xuống cấp, đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp, đầu tư bảo tồn phát huy giá trị di tích làng cổ …với tổng kinh phí là 456,664 tỷ đồng. Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia Làng cổ ở Đường Lâm là một quần thể di tích với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là niềm tự hào không chỉ của thị xã Sơn Tây mà còn là niềm tự hào của Hà Nội, bởi đây là di tích hiếm có, thuộc dạng độc nhất vô nhị của cả nước. Chính vì vậy Làng cổ ở Đường Lâm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là các đồng chí đứng đầu thành phố Hà Nội. Vừa qua, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã về khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây và ghi nhận và đánh giá ưu điểm, hạn chế; xem xét cụ thể các giải pháp, đánh giá các khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra, cơ hội, điều kiện tạo sức sống mới cho các di tích ở thị xã Sơn Tây…

Đặc biệt, các di sản trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và Nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa – du lịch tâm linh, văn hóa du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của vùng đá ong xứ Đoài – Sơn Tây.

Các di tích và lễ hội tiêu biểu trên địa bàn Sơn Tây

Với mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn, thời gian qua thị xã Sơn Tây đã đề xuất, kiến nghị với thành phố đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu đô thị ST4; hướng dẫn thị xã thực hiện điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ ở Đường Lâm. Thị xã cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí, cho phép và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, như: Mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, Văn Miếu, thành cổ và khu di tích Đền Và. Bên cạnh đó là xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ…

Quỳnh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *