Nghệ thuật

“Thiên mệnh” và hình tượng Trần Thủ Độ trên sân khấu kịch nói

Vở kịch “Thiên mệnh” vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam hoàn thành  sẽ có hai đêm diễn phục vụ khán giả Thủ đô vào các tối 3 và 4/11/2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Thiên mệnh” là kịch bản khá hay về đề tài lịch sử của tác giả Hoàng Thanh Du. Kịch bản này đã từng được đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Hà Nội và giờ đây, tác phẩm tiếp tục được NSƯT Đỗ Kỷ dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.

Đây là vở kịch lịch sử nói về cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ – một nhân vật lịch sự có thật. Ông cũng là một con người được sử sách ghi lại với những góc nhìn trái chiều, một người được đánh giá là vừa có công nhưng cũng vừa có tội. Với quần thần nhà Lý, Trần Thủ Độ là kẻ tội đồ vì đã bức hại Lý Huệ Tông, ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh trao quyền thống trị từ triều Lý sang triều Trần. Dưới góc nhìn đại cục của lịch sử thời đại, Trần Thủ Độ được coi là có công vì đã chấm dứt triều đại nhà Lý vốn đã thoái trào, mất lòng dân và đến hồi suy vong tan dã. Sự xuất hiện của Trần Thủ Độ ở thời điểm này như một tất yếu của lịch sử, đó được xem là “thiên mệnh”.

“Thiên mệnh” lấy bối cảnh buổi đầu xây dựng cơ nghiệp nhà Trần. Vở diễn khắc họa hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ, người có vai trò cá nhân quan trọng trong lịch sử và sự hình thành tư tưởng chăm dân trị quốc của nhà Trần kéo dài hơn 200 năm. Trần Thủ Độ là người đưa Trần Cảnh -Trần Thái Tông lên ngôi vua mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dưới sự trị vì đất nước của nhà Trần. Ông cũng là người nêu cao tinh thần, ý chí chống giặc ngoại xâm, giữ đất nước và Trần Thủ Độ đã mang tinh thần, ý chí đó để xây dựng sức mạnh đoàn kết góp phần làm nên những chiến thắng hiển hách của triều đại nhà Trần trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Trong vai trò Thái sư, Trần Thủ Độ không chỉ là người thân cận của Trần Thái Tông mà còn là người đưa ra những quyết sách quan trọng, dứt khoát, thẳng thắn nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử.

Hình tượng nhân vật Trần Thủ Độ được khắc hoạ trong “Thiên mệnh” như một vị khai quốc công thần, là trụ cột của triều Trần mấy thập niên đầu.Tài năng và tư tưởng trị nước của Trần Thủ Độ được đánh giá cao cả trong nội trị và ngoại trị .

Về nội trị, ông quyết tâm “dẹp loạn trong nhà” để giữ yên kỷ cương phép nước. Đó là can gián vua không phong cho anh ruột mình làm tể tướng, rồi xử trảm anh mình vì tội phản lại triều đình. Việc làm này của Trần Thủ Độ khẳng định cho quan điểm kỷ cương phép nước phải được giữ gìn, không thể bị phá vỡ bởi bất cứ lý do gì hoặc bất kỳ một ai, kể cả đó là tình anh em ruột rà thân thích. Bên cạnh đó, Trần Thủ Độ còn có những quyết định đúng đắn trong việc dùng người tài như: như tin dùng Trần Quốc Tuấn, người được xem như con của kẻ tội đồ với triều đình. Chính nhờ công lao đào tạo dạy dỗ của Trần Thủ Độ mà sau này Đại Việt có một một vị tướng quân tài ba văn võ song toàn như Trần Quốc Tuấn – Trần Hưng Đạo. Song song đó, Trần Thủ Độ còn giúp vua đưa ra các chính sách khoan sức dân, chăm lo sự bình yên của xã tắc. Về mặt ngoại trị Trần Thủ Độ cũng là trụ cột giúp vua Trần lãnh đạo nhân dân đánh bại dã tâm xâm lược của đế quốc Nguyên Mông lần thứ nhất.

Có thể nói tác phẩm “Thiên mệnh” thể hiện hào khí Đông A cùng tinh thần đoàn kết của dân tộc, đồng thời vén bức màn lịch sử tàn khốc với những hiện thực khốc liệt trong quá trình dựng nước và giữ nước của các vị anh hùng thời xưa.

Vở diễn “Thiên mệnh” có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Dũng Nam, NS Hồ Liên, NS Hồng Quang, NS Khuất Quỳnh Hoa, NS Minh Hải, Lưu Hoàng, Thế Nguyên, Minh Thu, Hồng Phúc, Tuấn Vũ, Trọng Trí…

Cùng với “Điều còn lại”, “Thiên mệnh” cũng sẽ là vở diễn được Nhà hát Kịch Việt Nam lựa chọn tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra tại Hải Phòng trong tháng 11/2021. Vì vậy, sau hai đêm diễn vào các tối 3 và 4/11/2021 tại Nhà hát Lớn, “Thiên mệnh” sẽ được giới thiệu tới khán giả thành phố Hoa phượng đỏ vào tối 9/11/2021.

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *