Di sản – Bảo tồn

Toạ đàm “Hoạt động Thư pháp hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển”

Trong khuôn khổ Triển lãm và liên hoan Thư pháp “Thăng Long – Hà Nội”, sáng 6/10, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức Toạ đàm “Hoạt động Thư pháp hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển” nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội (1010-2020).

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Thư pháp là nghệ thuật viết chữ, nơi người viết sẽ thể hiện cái tài, cái tâm qua từng tác phẩm. Thư pháp vốn có nguồn gốc ở Trung Hoa, sau ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở nước ta, có 2 loại hình thư pháp: thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ (hay Tiếng Việt).
Trong những năm gần đây, hoạt động thư pháp trên khắp cả nước diễn ra khá sôi rộng. Các lớp dạy, triển lãm, trưng bày thư pháp được diễn ra. Trong đó, ở miền Bắc, Nhân Mỹ học đường là một trong những đơn vị uy tín trong việc đào tạo thư pháp, tổ chức triển lãm Hàn Mặc. Một số CLB như Thư hoạ UNESCO Hà Nội, Việt tam bút… đã tổ chức triển lãm thư hút đông đảo người yêu thư pháp đến xem và thưởng thức. Trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những đơn thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày các tác phẩm, đưa thư pháp tiệm cận đến công chúng, góp phần lưu giữ phần hồn của văn hoá dân tộc.

Hoạt động cho chữ tại triển lãm và liên hoan thư pháp “Thăng Long – Hà Nội”

Toạ đàm “Hoạt động Thư pháp hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển” đã nhận được nhiều bài tham luận của đại diện các đơn vị, câu lạc bộ như Nhân Mỹ học đường, Thư hoạ UNESCO Hà Nội, Thư pháp Việt UNESCO; đại diện thư pháp miền Nam, đại diện Ban khảo tuyển Hội chữ Xuân. Toạ đàm luận bàn các chủ đề như: Hoạt động thư pháp tại một số đơn vị, câu lạc bộ tiêu biểu tại Hà Nội; Thành tựu hoạt động thư pháp tại Hà Nội, Hồ Chí Minh trong 10 năm gần đây; Vai trò của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong việc phát triển hoạt động thư pháp trong những năm gần đây.
Thư pháp gia Trần Quốc Chí nhận định: Ở Việt Nam hiện nay chưa có những nhà thư pháp chuyên nghiệp, chưa có trường, khoa ngành đào tạo thư pháp mà chỉ là những người yêu thư pháp học truyền tay qua người học trước, học qua tài liệu sách vở, băng hình… để viết các hoành phi, câu đối, văn thơ nên còn tuỳ tiện, tính thẩm mỹ cao, sai quy cách. Đây chính là nguyên nhân chính tạo nên khung cảnh lộn xộn, tự phát của hoạt động thư pháp nhiều năm qua tại Hà Nội nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung như: viết sai, viết xấu, viết bừa, viết ẩu… với mục đích thương mại nên để xả ra không ít những việc đáng chê trách…

Thư pháp gia Trần Quốc Chí

Theo ông Trần Quốc Chí, để hoạt động Thư pháp Thủ đô ngày càng phát triển thì cơ quan quản lý văn hoá cần có chính sách, quy định, cơ chế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thư pháp (truyền bá và học tập) để hoạt động thư pháp có cơ sở pháp lý đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tuyển chọn những người có năng lực trình độ viết thư pháp tốt tham gia vào việc phục chế các di tích văn hoá, lịch sử của Thủ đô. Quản lý việc viết thư pháp ở các di tích, lễ hội một cách chặt chẽ để hoạt động viết chữ ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung, thẩm mỹ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Cùng với đó cần tăng cường tổ chức triển lãm thư pháp nhân các sự kiện lớn của đất nước, Thủ đô Hà Nội để tạo điều kiện cho những người viết không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình, giao lưu học tập lẫn nhau, theo định hướng từ tự phát đi đến tự giác.
Trong bài tham luận của mình, Thạc sĩ lê Trung Kiên – đốc giáo Nhân Mỹ học đường chia sẻ: Nhu cầu về thư pháp Hán văn ứng dụng là có thật và cũng là sự tiếp nối truyền thống văn hoá. Việc đào tạo thư pháp cần phục vụ 2 mục tiêu lớn: Một là nâng cao nhận thức xã hội về thư pháp Hán văn, hai là đào tạo được những người viết có chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của nhận thức xã hội… Thư pháp là môn nghệ thuật tổng hợp của nhiều yếu tố (ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử, mỹ thuật), không thể đơn lẻ, do đó, đào tạo thư pháp cần gắn liền với đào tạo Hán nôm để thúc đẩy đào tạo nghệ thuật thư pháp.

Thạc sĩ lê Trung Kiên – đốc giáo Nhân Mỹ học đường.

Tại toạ đàm, các nhà thư pháp cũng đã đưa ra những vấn đề cũng như những giải pháp nhằm định hướng phát triển nghệ thuật thư pháp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thẳng thắn đã được nêu ra nhằm góp ý cho công tác tổ chức, khảo hạch, khảo tuyển của Hội chữ Xuân do Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức cũng như sự phối hợp các nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng hoạt động thư pháp tại Hội chữ Xuân.
Để phát triển hoạt động thư pháp quy củ, nghiêm chỉnh, lành mạnh, từ năm 2015, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thành lập “Hội chữ Xuân” – nơi tập hợp những người viết chữ đã qua khảo hạch để tiếp tục “xin chữ” đầu năm. Bên cạnh đó, các triển lãm thư pháp lần lượt được tổ chức tại đây với các chủ đề như “Khuyến học” (năm 2015), “Uống nước nhớ nguồn” (năm 2016), “Tôn sư trọng đạo” (năm 2017), “Hiền tài” (năm 2018), “Văn hiến” (năm 2019), “Thành đức” (năm 2020).
Mặt khác, ngày 23/11/2019, Trung tâm đã tổ chức Triển lãm Thư pháp “Truyền kinh chính học”, với sự tham gia của nhiều thể chữ khác nhau: Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Năm nay, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020), Trung tâm đã tổ chức triển lãm và liên hoan thư pháp nhằm đề cao sự kiện đó, đồng thời là nơi giao lưu thư pháp giữa các đơn vị, câu lạc bộ, người viết. Hoạt động thư pháp sẽ trở thành những hoạt động thường niên, nơi lưu truyền, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá của dân tộc.

Tô Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *