Tin ngành

Tọa đàm “Từ Di sản văn hóa tới Thiết kế – Nghệ thuật”

Tại Tọa đàm, các nghệ sỹ, nghệ nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm, thể nghiệm của mình về việc khai thác, biến các di sản văn hóa Việt Nam thành các tác phẩm nghệ thuật ở các dạng thức, chất liệu khác nhau, như gốm, lụa, diều, nghệ thuật trình diễn…Họ là những người tràn đầy niềm đam mê, tình yêu, trách nhiệm với di sản,

Chiều 18/11/2022, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam)  phối hợp với Trường Đại học Quốc gia tổ chức Tọa đàm “Từ Di sản văn hóa tới Thiết kế – Nghệ thuật”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022.

Tọa đàm “Từ di sản văn hóa tới Thiết kế – Nghệ thuật” là cuộc trò chuyện với sự tham gia của 4 diễn  giả là nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành văn hóa nghệ thuật: Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, Nghệ sỹ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Nghệ sỹ Xuân Lam và Nghệ nhân chơi diều Lê Thanh Bình. Chương trình diễn ra dưới sự điều phối của Giảng viên Lư Thị Thanh Lê, Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị giảng dạy và nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn hóa tộc người, Việt Nam học, di sản số, văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa… Chị là người đồng sáng lập Sáng kiến Văn hóa Việt Nam, và thường gắn kết nghiên cứu với các hoạt động cộng đồng.

Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn trình bày với chủ đề “Từ truyền thống tới truyền thống”

Nguyễn Thế Sơn là nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia, giám tuyển nghệ thuật và là giảng viên Khoa Các khoa học Liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ Hà Nội, và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA). Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển đổi. Anh đã có gần 20 triển lãm cá nhân và các triển lãm nhóm được trưng bày triển lãm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc…Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, bảo tàng nghệ thuật CAFA…

Nghệ sỹ Nguyễn Quốc Hoàng Anh trình bày với chủ đề “Bản sắc thuộc về tương lai”

Nguyễn Quốc Hoàng Anh là nghệ sĩ đa phương tiện và giám tuyển; là người sáng lập Lên Ngàn Cultural Agency và Giám đốc điều hành tại DomDom – Trung tâm âm nhạc & Nghệ thuật thể nghiệm. Anh từng theo học chuyên ngành âm nhạc tại Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, chuyên viên truyền thông tại FPT Arena và giám tuyển nghệ thuật tại SoundsNow – Onassi Stegi Athens. Anh làm việc qua các lĩnh vực như: Di sản văn hóa, nghệ thuật đương đại và truyền thông trong vai trò tư vấn chiến lược thương hiệu. Một số dự án mà anh tham gia với vai trò giám tuyển, đạo diễn và nhà sản xuất âm nhạc: Dự án Nhìn Thấy Âm Thanh bảo trợ bởi Hội Đồng Anh, dự án Story Of Đàn Bầu tài trợ bởi Đại học âm nhạc và sân khấu Hamburg CHLB Đức, dự án  Thanh Sắc Màu bảo trợ bởi S&S Group và Cyril Kongo – tác phẩm Sóng Ngầm Sông Hồng giới thiệu xuất bản trên tạp chí Music and Art in Action và được Viện Dân tộc học Đại học Cologne gửi đăng vĩnh viễn trên trang web MAiA – nằm trong Kho lưu trữ kỹ thuật số của Đại học Exeter, vở diễn sân khấu thể nghiệm Cõi Thinh Không tại Tuần Lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021…

Nghệ sỹ Xuân Lam trình bày với chủ đề “Cuộc gặp gỡ xưa – nay với tranh dân gian Việt Nam”

Xuân Lam là nghệ sĩ thị giác tại Hà Nội. Anh là cử nhân chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng kinh nghiệm tự học Đồ họa từ năm 14 tuổi. Nghệ thuật của Xuân Lam là sự kết hợp của nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt Nam, cách thức biểu đạt mới cùng những câu chuyện cá nhân của một nghệ sĩ thuộc thế hệ 9x. Xuân Lam quan tâm tới những vấn đề của xã hội ngày nay như lãng quên bản sắc, sự hoài niệm và căn tính trong thời đại toàn cầu hóa hay rào cản vô hình giữa khán giả địa phương và nghệ thuật đương đại. Trong vòng 6 năm qua anh đã có nhiều thử nghiệm và thành tựu nổi bật với các dự án lấy cảm hứng từ tranh dân gian nói riêng và di sản Việt Nam nói chung.

Nghệ nhân chơi diều Lê Thanh Bình trình bày với chủ đề “Thể nghiệm mỹ thuật truyền thống Việt Nam qua những cánh diều “

Nghệ nhân chơi diều Lê Thanh Bình là Ủy viên Ban chấp hành Hội di sản văn hóa Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam. Anh đã tham gia nhiều liên hoan diều quốc tế tại Pháp, Đức, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Ngoài ra, anh đã nhiều lần tham gia Ban Tổ chức tại nhiều sự kiện liên hoan, lễ hội diều quốc tế và địa phương tại Việt Nam.

Các nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia thảo luận

Tại Tọa đàm, các nghệ sỹ, nghệ nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm, thể nghiệm của mình về việc khai thác, biến các di sản văn hóa Việt Nam thành các tác phẩm nghệ thuật ở các dạng thức, chất liệu khác nhau, như gốm, lụa, diều, nghệ thuật trình diễn…Thông qua các dự án mà nghệ sỹ, nghệ nhân giới thiệu tại Tọa đàm, có thể thấy, điểm chung của các nghệ sỹ, nghệ nhân đó chính là sự nghiêm túc trong công việc, sự tâm huyết, hiểu biết sâu sắc về các di sản văn hóa Việt Nam. Bằng cách làm việc khoa học, tràn đầy niềm đam mê, tình yêu, trách nhiệm với di sản, họ đã đưa các di sản văn hóa Việt Nam tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người, về các di sản văn hóa Việt Nam. Sau phần trình bày cá nhân, các diễn giả cùng tham gia thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc, đem đến những góc nhìn về những thực hành sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu di sản văn hóa Việt Nam.

Đức An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *