Văn hóa

Tranh dân gian Kim Hoàng hồi sinh

Hàng trăm năm trước, ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, những bức tranh dân gian “thần kê”, cặp lợn no tròn, tiến tài – tiến lộc…, được in trên nền giấy đỏ rực rỡ sắc màu đã theo những người bán hàng ra chợ Tết, truyền hơi xuân cho ngôi nhà truyền thống của làng quê. Vậy mà, dòng tranh Kim Hoàng ấy dần bị mai một.

Theo sách Đồ họa cổ Việt Nam, dòng tranh dân gian Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Dân làng Kim Hoàng xưa chủ yếu là những người từ Thanh Hóa di cư ra Bắc, gồm 2 làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại, lập nghiệp bằng nghề vẽ tranh. Trong trận lụt lịch sử năm 1915, làng Kim Hoàng bị ngập trắng nên nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945, tranh Kim Hoàng không còn được sản xuất. Hiện, chỉ vài mẫu tranh: “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, “Gà”, “Lợn” còn bản in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nếu như tranh Đông Hồ in trên giấy điệp, tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó, thì tranh Kim Hoàng in trên giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu. Đây là lý do dòng tranh Kim Hoàng được gọi là “tranh đỏ”, màu đỏ là màu của tết nhất, hội hè. Ngày xưa, người dân hay mua vào dịp tết để treo cho may mắn, bình an. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy, rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người, tạo nên sự phóng khoáng cho bức tranh, nét khắc tranh thanh mảnh, tỉ mỉ. Đề tài trong tranh Kim Hoàng là những hình ảnh cuộc sống mộc mạc, đơn sơ quen thuộc của cư dân vùng Đồng bằng Bắc bộ. Trên tranh, có đề những câu thơ chữ Hán viết theo lối chữ thảo in ở góc của mỗi bức tranh, tạo nên giá trị riêng cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Kỳ công phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Tiếc cho một dòng tranh độc đáo bị thất truyền, năm 2015, nhà nghiên cứu, sưu tập tranh Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân đầu tư công sức, thời gian để xây dựng dự án “khôi phục tranh Kim Hoàng”. Kể từ khi dự án được triển khai, tranh Kim Hoàng bước đầu có dấu hiệu hồi sinh. Anh Đào Đình Trung là người trẻ duy nhất của làng Kim Hoàng được đào tạo thành nghệ nhân theo dự án. Các cụ cao niên trong làng như cụ Trần Ếch, cụ Trần Sơn cũng tích cực góp sức phục dựng dòng tranh.

Giờ đây, tranh Kim Hoàng phục vụ mùa Tết không chỉ có các màu truyền thống với sắc đỏ, vàng, mà các họa sĩ còn phối các khối màu lạ để hấp dẫn người chơi tranh. Tùy theo chất lượng của từng sản phẩm, tranh được bán với giá dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/cặp khổ nhỏ. Để có màu tranh tự nhiên, nhóm thực hiện dự án kiếm gạch non, xin các nghệ nhân làng tranh khác đá son về giã đến nhuyễn mịn. Dùng màu tự nhiên có ưu điểm là tranh càng để lâu, màu càng trong. Sau nhiều thử nghiệm thì việc sử dụng màu tự nhiên này vẫn thất bại vì khi lên màu tranh rất xỉn. Muốn tranh rực rỡ, chỉ có cách sử dụng những loại màu khoáng tự nhiên. Loại màu này giá thành cao, không phù hợp với dòng tranh dân gian. Các họa sĩ chuyển sang dùng phẩm, riêng làm màu giấy vàng thì dùng quả dành dành. Các thành viên còn đặt mua lá chàm về làm màu nhuộm tranh nhưng cũng chưa thành. Màu làm tranh hiện tại vẫn chỉ là lai tự nhiên chứ không phải màu tự nhiên theo truyền thống.

Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều kỳ công, để có bản khắc tranh “Gà” như hiện tại, dù rằng chưa thực sự ưng ý nhưng những người làm dự án đã phải nhờ đến gần 30 người, trong đó có cả các nghệ nhân lâu năm của tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. Đến nay, Dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, 19 mẫu được vẽ tay. Ngoài ra dự án cũng tạo mới được một số mẫu như: tranh Nghê (lấy mẫu từ đền Vua Đinh – vua Lê, Ninh Bình), và 3 bức tạo mẫu mới theo họa tiết hoa văn trang trí ở đình làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức: Em bé bắn cung, Em bé cưỡi phượng, Đấu vật…Cùng với mong muốn khôi phục thêm nhiều mẫu tranh nữa, dự án còn có tham vọng phối hợp với các họa sĩ tranh khắc gỗ nổi tiếng ở Việt Nam để sáng tạo thêm những mẫu tranh Kim hoàng mới. Tiếp đến, sẽ xây dựng khu sản xuất, trưng bày, vận động thêm nhiều gia đình cùng làm tranh Kim Hoàng để phục hồi làng nghề thực sự, Một điều may mắn là dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Xã Vân Canh đã bố trí quỹ đất rộng chừng 1.500m2 để nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai dự án; Trung tâm phục dựng tranh Kim Hoàng nằm trong khuôn viên Nhà truyền thống của xã Vân Canh.

Lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, người dân Thủ đô và cả nước được chiêm ngưỡng lại dòng tranh Kim Hoàng tại “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam”, được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội (năm 2016). Tranh Kim Hoàng gây ấn tượng mạnh bởi sự độc đáo, mới lạ. Tranh Kim Hoàng còn được nhiều người chọn mua khi giới thiệu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám dịp Tết Nguyên đán. Mong muốn của người dân nơi đây là phát triển Kim Hoàng trở thành làng nghề gắn với du lịch.

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” ra mắt.

Song song với Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” của một nhóm tác giả, trong đó có nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa ra mắt vào dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 là lời tri ân tới vị tổ nghề tranh dân gian làng Kim Hoàng, các nghệ nhân xưa đã có công giữ nghề để lưu truyền cho con cháu đến ngày nay. Đồng thời khẳng định vị trí của dòng tranh Kim Hoàng trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam.

Đức Long

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *