Triển lãm

Triển lãm hơn 50 bức tranh và bản in tranh dân gian Việt Nam

Chiều 29/8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã khai triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Triển lãm là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác khoa học giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và Trung tâm Viện Viễn đông Bác cổ tại TP Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam, văn hóa dân gian Việt Nam, góp phần vào  việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ván khắc tranh dân gian Đông Hồ được trưng bày

Hơn 50 bức tranh và bản in những bức tranh dân gian, phản ánh về đời sống văn hóa truyền thống của người Việt trên các lĩnh vực về đời sống thường nhật; lời chúc và vật cầu may; tôn giáo, tín ngưỡng; minh họa lịch sử được trưng bày. Đây là một phần trong bộ sưu tập hơn 400 bức tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, vốn là thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, sưu tầm từ năm 1940 tại Hà Nội và các vùng lân cận thuộc bồng bằng Bắc Bộ, với sự hỗ trợ của các học giả như: Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá, Louis Bezacier, Paul Lesvy. Đây là bộ sưu tập tranh dân gian có giá trị còn lưu giữ đến ngày nay.

Điểm thú vị của công trình là văn hóa dân gian Việt Nam được nhìn qua lăng kính của một học giả nước ngoài. Maurice Durand đã bàn về lĩnh vực nghệ thuật dân gian thông qua việc kết hợp sự miêu tả tỉ mỉ về quá trình làm tranh, các loại hình tranh, phân tích các chủ đề và đặt chúng trong bối cảnh văn hóa và lịch sử, từ thiêng liêng đến phàm tục, từ đó, cho phép chúng ta rút ra những kết luận nền tảng văn hóa của người Việt.

Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam” thể hiện nhiều nội dung về đời sống văn hóa của người Việt, với nhiều chủ đề như: Các cuộc thi: thi văn, thi võ; Lịch sử quốc gia; Cầu chúc và phúng dụ; Tố nữ và thơ ca; Tín ngưỡng và thần bảo trợ; Tranh gợi tả thiên nhiên và động vật; Tranh về đời sống thường nhật; Tranh về lễ hội, trò chơi; tục ngữ và truyện ngụ ngôn. Triển lãm đã góp phần khẳng định những giá trị to lớn của văn hóa dân gian Việt Nam từ đời sống thường nhật hàng ngày đến lễ nghi cung đình.

Các em học sinh tìm hiểu các dòng tranh dân gian cùng nhà sử học Lê Văn Lan

Triển lãm mở của đón khách tham quan từ ngày 29/8/2018 đến hết ngày 30/9/2018 tại khuôn viên khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9, khu di sản còn trưng bày chuyên đề về Hai vị Tổng đốc Thành Hà Nội tại Bắc Môn và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ khách tham quan như Diễn xướng dân gian, múa rối nước, giao lưu văn hóa và thể thao truyền thống.

P.V

ảnh: BTC

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *