Âm nhạc

‘Trở về đất mẹ’ – Đêm nhạc đặc biệt giới thiệu các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương 

“Trở về đất mẹ” – Đêm nhạc đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, nhạc sỹ, NSND Nguyễn Văn Thương sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 19/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

Giáo sư, Nhạc sỹ, NSND Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002) là một nhạc sĩ nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ như: Trên sông Hương, Đêm đông…và những ca khúc kháng chiến như: Bình Trị Thiên khói lửa, Dân ta đánh giặc anh hùng… cùng một di sản âm nhạc đồ sộ với nhiều bản khí nhạc đáng nể. Có thể nói ông là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã được Nhà nước phong tặng nhiều huân, huy chương cũng như danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Phương chụp ảnh kỷ niệm cùng NSND Thu Hiền

Bên cạnh sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn đóng góp lớn trong sự nghiệp quản lý và đào tạo âm nhạc nước nhà. Từ năm 1979 đến 1983 ông đảm nhận trách nhiệm giám đốc cả hai đơn vị là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Ông được cho là có “biệt tài” phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật và đưa về Nhạc viện đào tạo trong đó có nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Quang Vinh, ca sĩ Lệ Quyên, Ái Vân, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Xuân Bình, NSƯT Trương Ngọc Xuyên, NSƯT Quốc Hùng…

NSND Quang Thọ

Trong những năm làm lãnh đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã xây dựng nhiều tác phẩm với đủ các hình thức thể hiện, đạt chất lượng đỉnh cao về nghệ thuật, gặt hái được nhiều thành công trong các Liên hoan, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc.
Nhằm tri ân những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức đêm nhạc “Trở về đất mẹ”.

NSND Thái Bảo

Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều thế hệ NSND, NSƯT đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện, dìu dắt trên con đường nghệ thuật như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Quang Huy, NSND Thái Bảo, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Đức Long, NSƯT Mạnh Hà cùng các nghệ sĩ trẻ của nhà hát như: NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Phương Mai, ca sĩ Minh Đức, Hoàng Thịnh Ketsle, Thanh Bình Accodeong, nhóm Phương Bắc, nhóm Thăng Long, nhóm Pha Lê… và một số nghệ sĩ, ca sĩ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: NSƯT Hoa Đăng, ca sĩ Lê Anh Dũng. Đêm nhạc do NSND Quang Vinh làm tổng đạo diễn dưới sự dẫn dắt của hai MC: Lê Anh – Hồng Nhung.

Tên chủ đề “Trở về đất mẹ” cũng là tên một tác phẩm kinh điển có ý nghĩa bao trùm toàn bộ ý tưởng chương trình. Đêm nhạc được chia làm 3 phần: Phần 1: Tân nhạc; phần 2: Đất mẹ Đồng Khởi; phần 3: Dâng Người tiếng hát mùa xuân với 15 tác phẩm tiêu biểu nhất với nhiều thể loại khác nhau: hòa tấu lớn (hòa tấu dàn nhạc, hòa tấu dàn dây); hát múa, hát…

NSƯT Minh Đức, NSƯT Quang Huy và NSND Quang Thọ

Phần 1 của chương trình sẽ mở đầu với màn “Trở về đất mẹ” do dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn. Tiếp đó là nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sẽ được giới thiệu như: “Đêm đông”, “Bướm hoa”, “Trên sông Hương”, “Bài ca đã hẹn”, “Những bông hoa đầu xuân”, “Bài ca trên núi”.

Phần 2 “Đất mẹ Đồng Khởi” nói về giai đoạn nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng, đi theo kháng chiến. Trong phần này, khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm: hòa tấu “Ngày hội non sông”, ca khúc “Dân ta đánh giặc anh hùng”, hát múa “Bài ca Việt Lào”, ca khúc “Thư xa gửi mẹ”“Bình Trị Thiên khói lửa”. Đáng chú ý là bản hòa tấu “Ngày hội non sông” được nhạc sĩ viết năm 1968 do NSƯT Mạnh Hùng, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Văn Ngư, Xuân Chung và dàn nhạc biểu diễn. NSƯT Mạnh Hùng và NSƯT Đinh Linh là hai nghệ sĩ gắn bó với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau khi nghỉ hưu hai nghệ sĩ đã chuyển vào sinh sống tại TPHCM và trong đêm nhạc tới đây cả hai được Nhà hát mời tham gia biểu diễn tác phẩm này.

NSƯT Đức Long

Ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” được ra đời trong kháng chiến chống Pháp, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Ca khúc đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, là khúc tráng ca về quê hương Bình Trị Thiên đã được ông trong một đêm xúc động khi nghe tin quê hương bị quân xâm lược giày xéo. Bài hát ra đời như một ngọn lửa đốt cháy bừng bừng lòng yêu nước và căm thù. Và trong đêm nhạc tới đây, tiết mục này sẽ do các nghệ sĩ NSND Quang Thọ, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Minh Đức, NSƯT Mạnh Hà thể hiện kết hợp với trống Ketsle và dàn nhạc đệm. Ngoài ra, trong phần 2 này, khán giả còn còn được nghe những chia sẻ của các nhạc sĩ Chu Minh và NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Quang Vinh về những kỷ niệm gắn bó với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để người xem hiểu thêm về những đóng góp to lớn của người nhạc sĩ tài năng này.

NSƯT Phạm Phương Thảo

Trong phần 3 “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” sẽ giới thiệu tới người xem nhiều ca khúc ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và những thành tựu đạt được trong công cuộc giành độc lập dân tộc, đất nước đổi mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đó là các tác phẩm: ca khúc “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Thu Hà Nội”; hòa tấu âm nhạc Tây Nguyên: “Buôn làng mở hội” và bài kết hát múa, hợp xướng “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”. Ngoài ra, trong đêm nhạc còn phát phóng sự về thân thế sự nghiệp và quá trình gắn bó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam trên cương vị lãnh đạo.

Ca sĩ Lê Anh Dũng

Đáng chú ý là trong đêm nhạc diễn ra tối 19/5 tới, trước tiền sảnh của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ sẽ trưng bày những bức ảnh về các hoạt động của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam giai đoạn nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm giám đốc.

Ca sĩ trẻ Thu Thủy

Theo chia sẻ của NSƯT Xuân Bình – Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam kiêm tác giả kịch bản của đêm nhạc “Trở về đất mẹ”: Là một trong những người được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện, dìu dắt và có một thời gian làm việc cùng tại nhà hát nên anh rất hiểu và có nhiều thông tin về ông. Bên cạnh đó gia đình nhạc sĩ cũng cung cấp nhiều tư liệu đáng quý nên anh đã có được một kịch bản khá đầy đủ về các giai đoạn hoạt động và những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với nền âm nhạc Việt Nam. Và “Trở về đất mẹ” là một công trình đầy tâm huyết của các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Với cách dàn dựng sống động, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, chắc chắn “Trở về đất mẹ” sẽ thực sự là một ngày hội của các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam khi cùng nhau hội tụ về đây để tỏ lòng tri ân với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương người lãnh đạo, người thầy, người chú, người anh mà họ luôn dành nhiều yêu mến và biết ơn.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *