Di sản – Bảo tồn

Ứng dụng công nghệ và nghệ thuật phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những công trình của Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ thời Lý, Trần, Lê không còn nhiều, tư liệu, hiện vật rất thiếu, hiện vật gốc không có. Đặc biệt, những giá trị lịch sử, văn hóa của Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn liền với lịch sử giáo dục khoa bảng Việt không được thể hiện một cách hệ thống, bài bản tại các không gian của di tích. Nhằm giúp khách tham quan tiếp cận được những giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong thời gian qua, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về di tích, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã từng bước ứng dụng một cách hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới một hệ sinh thái hoàn thiện về hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phát huy giá trị của di tích.

Du khách có thể tự tra cứu thông tin, hình ảnh về khu di tích, hiện vật bia Tiến sĩ.

Trung tâm đã triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh” nhằm kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 (công nghệ tương tác, số hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AR/VR, công nghệ mô phỏng phục dựng 3D…) và nghiên cứu lịch sử, văn hóa với mục đích hướng đến những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ của công chúng trong nền công nghiệp 4.0. Các loại hình sản phẩm bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống các công trình nghiên cứu, tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám; các danh nhân, các vị tế tửu, các vị tiến sĩ, nho học đỗ đạt được lưu danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám…. được nghiên cứu, tổng hợp, sưu tầm, xây dựng và số hóa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0, bao gồm: Ấn phẩm số (Sách công nghệ), Sách 3D. Với việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 hiện đại (Công nghệ tương tác 3D, tương tác thực tế tăng cường (AR/VR), thuyết minh tự động), sách 3D sẽ phản ánh trực quan, sinh động và hấp dẫn các nội dung, giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa của di tích, các câu chuyện về việc dạy và học tại Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam và các giá trị phi vật thể của di tích giúp khách tham quan có những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Sách 3D được xây dựng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để có thể giới thiệu, quảng bá không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản văn hóa vật thể bao gồm: dữ liệu số scan 2D (bản in, bản dập, ảnh tư liệu); Số hóa 3D hệ thống bia Tiến sĩ, các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, nghệ thuật v.v…; Số hóa 3D chi tiết không gian kiến trúc toàn bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Số hóa phục dựng 3D không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê. Ngoài ra, còn xây dựng hệ thống phần mềm thư viện số lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu; Phần mềm ứng dụng phục vụ tra cứu, giáo dục và phục vụ khách tham quan trên máy tính cá nhân, kiosk tra cứu thông tin và điện thoại thông minh. Xây dựng hạ tầng thiết bị: Thiết bị máy chủ, máy trạm, Kiosk tra cứu thông tin, Kính thực tế ảo (VR)…

Cùng với việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, Trung tâm cũng bước đầu tiếp cận, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, quảng bá giá trị di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn. Sử dụng sức mạnh của công nghệ số trong các trưng bày, triển lãm tại di tích như trưng bày “Chu Văn An – Thượng tường Sơn đẩu”, trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên”, triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1989-1954”. Những sản phẩm được ứng dụng đã góp phần quan trọng đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, thực hiện hoạt động giáo dục di sản tại di tích có hiệu quả, làm cho di tích trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

Phục dựng 3D di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, từ những kết quả ban đầu của việc ứng dụng công nghệ và nghệ thuật phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm hiện đang tiếp tục triển khai phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ như: Xây dựng hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây; Hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh: ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, nội dung trải nghiệm đa phương tiện. Đặc biệt, trong thời gian sắp tới, Trung tâm sẽ tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới nhất, xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn. Đây sẽ là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Hoạt động dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày cuối tuần, mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến với Hà Nội nói chung và di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng.

Vy Vy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *