Văn hoá đời sống

Văn hóa thưởng trà của người Việt

Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, ngày càng có thêm nhiều loại đồ uống du nhập vào nước ta thì trà – văn hóa thưởng trà vẫn có sức sống riêng. Nó như mạch ngầm âm ỉ, bền bỉ trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi vùng miền để kết nối, đưa con người lại gần với nhau hơn.

Trà là thức uống tốt cho sức  khỏe con người. Ở Việt Nam, thưởng trà là nét văn hóa phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt miền ngược, miền xuôi. Chén trà là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàn huyên của bạn bè tri kỷ, của những cuộc làm quen, giao lưu bất chợt, của những trao đổi cho công việc, làm ăn…

Từ các búp trà chế biến ra nhiều loại trà khác nhau

Có hàng nghìn loại trà trên thế giới, nhưng tất cả đều được làm từ một cây duy nhất, cây trà (hay chè). Với vị trí tự nhiên thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa, cây chè đã có mặt lâu đời trên đất nước ta và được canh tác trên những vùng thổ nhưỡng phù hợp. Trà nguyên thủy là loại trà mộc không ướp hương; trà thanh hương là loại trà được ướp với nhiều nguyên liệu khác nhau, tiêu biểu nhất là hoa sen, hoa nhài, hoa sói…Tùy từng loại trà mà trình tự thực hiện khác nhau, nhưng về cơ bản thì quá trình chế biến trà gồm các công đoạn chính bao gồm: Thu hái, làm héo, vò – sàng tơi, sấy khô, ô xy hóa, sấy khô, định hình. Các loại trà thành phẩm khác nhau bởi hình dáng và thành phần hóa học của lá sau khi chế biến.

Các bậc tiền nhân xưa cho rằng, uống trà là một nghệ thuật. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các suối nguồn tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai. Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tĩnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Trước khi uống thường đưa qua mũi để tận hưởng hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ để cảm nhận vị đắng, vị chát, vị ngọt và để bắt đầu cho những câu chuyện về trà, về nhân tình thế thái… Người Việt Nam thưởng trà theo cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), hay quần ẩm (nhiều người).

Người Việt Nam thường pha trà khi có khách đến

Ảnh: vanhoanghethuat.org.vn

Những người có thú đam mê uống trà ngày nay đã đề ra 5 chuẩn mực về cách chọn trà ngon: “Sắc-thanh-khi-vị-thần”.  Muốn thưởng trà phải dùng tới 5 giác quan: Mắt để cảm nhận màu sắc. Mũi để ngửi hương vị. Tai để nghe. Lưỡi để nếm và tay để cầm. Đặc biệt là phải dùng tâm để pha trà. Khi rót trà cũng không rót đầy mà thường rót 2/3 chén.

Trong mỗi gia đình Việt Nam dù theo phong cách hiện đại hay truyền thống đều có một bộ tách ấm để pha trà. Bộ đồ pha và uống trà có ấm và 4 chén quân, một chén tống để chuyên trà. Chén quân thường là loại chén hạt mít (mắt trâu), bình cũng có bình chuyên, bình tống, tùy theo lối uống “độc ẩm, song ẩm, tứ ẩm hay quần ẩm” để chọn loại bình tương ứng. Người thưởng trà sành điệu là người chọn thời điểm uống trà vào lúc mờ sáng (khoảng 4-5 giờ sáng) khi thời khắc âm dương giao hòa, đêm qua – ngày tới, uống trà thời khắc giao hòa này sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm hồn, hướng người thưởng trà tới những điều tốt đẹp.

Trà có mặt trong ngày Tết khi cả gia đình sum vầy bên nhau

Ảnh: vanhoanghethuat.org.vn

Không gian thưởng trà của người Việt thường mang hơi hướng của văn hóa thiền – là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã, êm dịu. Lý tưởng nhất là những nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh, bên trong có tranh ảnh, góc đọc sách báo hoặc bàn cờ. Còn bình thường, dù ở quán cóc ven đường hay chỉ là trong căn nhà nhỏ, uống một mình hay uống với bạn trà, việc thưởng trà vẫn diễn ra trọn vẹn. Bởi với người thưởng thức trà, có được bạn cùng uống trà đôi khi lại khó hơn cả bạn rượu. Vì bạn trà là người tri kỉ cùng nhau thưởng thức trà và đàm đạo với nhau những chuyện trên đời, ngồi ngâm thơ, đối đáp… Khi đã hiểu nhau, hợp nhau, thì cùng thưởng trà với nhau, còn thú gì vui hơn.

Với truyền thống hiếu khách, người Việt Nam thường pha trà khi có khách đến.  Việc rót trà, mời trà cũng theo thứ tự người cao tuổi (hay người có vai vế cao) trước, rồi mới đến người trẻ (người có vai vế thấp). Dâng chén trà bằng cả hai tay thể hiện sự lễ độ, cung kính người được mời. Theo những người sành trà, trà ngon nhất thiết phải được thưởng thức trong vòng ba nước đổ lại.  Ở lần nước đầu tiên, ta thưởng hương của trà. Đến lần nước thứ hai, người ta sẽ chú ý đến vị của trà. Ở lần nước thứ ba, là khi mà người thưởng trà cảm nhận sự hòa quyện của cả hương và vị của trà và những dòng suy ngẫm được ngụm trà mang lại. Uống trà cũng là một nghệ thuật. Đó là cách uống từ tốn, từng ngụm nhỏ, để cảm nhận hương vị của trà, thứ hương vị kết tinh từ tinh túy của đất trời và cả những nồng đượm của ân tình, của ứng xử giao hòa, tình làng nghĩa xóm,  của đạo nghĩa vẹn tròn mà người mời, người uống dành cho nhau. Ẩn sau hương vị của chén trà thơm là những thổ lộ, chia sẻ từ chuyện thế sự  đến  chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện hàng xóm, láng giềng. Chén trà đưa con người đến gần nhau hơn. Đạo trà Việt đồng nghĩa với sự sảng khoái, tịnh tâm, mưu điều thiện, tránh điều ác, là triết lý về sự tế nhị, thanh cao, suy ngẫm trong tỉnh táo…

Văn hóa thưởng trà đã ăn sâu và trở thành một phần cuộc sống của người Việt. Trà được sử dụng  trong ngày thường, những dịp lễ, Tết hay những sự kiện trọng đại (cưới hỏi, ma chay, cúng giỗ).  Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, ngày càng có thêm nhiều loại đồ uống du nhập vào nước ta thì trà – văn hóa thưởng trà vẫn có sức sống riêng. Nó như mạch ngầm âm ỉ, bền bỉ trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi vùng miền để kết nối, đưa con người lại gần với nhau hơn.

Minh Ngọc 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *