Thể thao quần chúng

Ba Vì đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia vào các hoạt động thể thao tại cộng đồng

Nhiều năm qua, việc đưa phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Ba Vì đã và đang đạt kết quả tốt. Phong trào thể dục – thể thao (TDTT) phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Phong trào Thể dục Thể thao ở huyện Ba Vì ngày càng phát triển rộng khắp. Ảnh: Hồng Đạt.

Những năm qua, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì quan tâm chỉ đạo vì vậy phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực tham gia. Trên địa bàn huyện Ba Vì, phong trào TDTT được duy trì khá nền nếp trong mọi tổ chức xã hội, người dân, nhất là thanh thiếu niên, người cao tuổi và công nhân lao động… Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện đã được địa phương quan tâm. Việc quy hoạch các sân bãi tập luyện TDTT cho Nhân dân là một trong những tiêu chí để được công nhận là đơn vị, xã văn hóa, hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động TDTT, góp phần bảo đảm sức khỏe đời sống tinh thần và thể chất cho Nhân dân.
Theo số liệu thống kê năm 2020, trên địa bàn huyện Ba Vì, tỷ lệ dân số luyện tập TDTT thường xuyên đạt 33,5%; toàn huyện đã thành lập được 112 câu lạc bộ TDTT. Trong 5 năm trở lại đây, có khoảng 600 lượt vận động viên tham gia các cuộc thi đấu trong khu vực và toàn quốc.
Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao trong cán bộ, công nhân viên chức, lao động phát triển không ngừng. Đến nay phong trào thể dục thể thao trong cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đã đi vào nền nếp, hoạt động ổn định trên các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ, công nhân viên chức tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 40%.
Phong trào “Thanh niên khoẻ”, “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”, triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã thu hút nhiều thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia. Hiện nay, huyện Ba Vì có 100% Ban chấp hành đoàn cơ sở thành lập các Câu lạc bộ thể dục thể thao, tổ chức nhiều giải thi đấu cấp huyện và cơ sở. Trong đó, có các giải thể thao truyền thống như: Giải Cầu lông, Bóng bàn, Bóng đá, Bơi… Các Câu lạc bộ thể dục thể thao luôn là những điểm quy tụ đông đảo thanh niên đến sinh hoạt và hình thành các đội tuyển để tham dự các giải thể thao phong trào của thành phố và toàn quốc.

Môn bóng chuyền hơi ngày càng thu hút được nhiều người tập luyện. Ảnh: Hồng Đạt.

Đối với phong trào thể dục thể thao trong nông dân, nông thôn và dân tộc thiểu số. Đến nay phong trào thể dục thể thao của đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi đã phát triển mạnh. Số người tập luyện thường xuyên tăng cao. Số môn thể thao hiện đại ngày càng được phổ biến rộng rãi như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Điền kinh, Cầu lông, Võ… Bên cạnh việc chú trọng đưa TDTT hiện đại đến với đồng bào dân tộc, Ba Vì cũng chú trọng phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống như: Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co….
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tích cực quan tâm đến hoạt động thể dục thể thao của lớp người cao tuổi. Một số hoạt động thể dục thể thao của người cao tuổi thu hút đông hội viên tham gia như: Thể dục dưỡng sinh, đặc biệt là môn Thái cực quyền, Thái cực quạt, Đi bộ, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền hơi… Hàng năm huyện tổ chức một số giải thể thao dành cho người cao tuổi như: Hội thao người cao tuổi và tổ chức các giải tại cơ sở chào mừng ngày quốc tế người cao tuổi 1/10 và các ngày lễ, Tết.

Thể dục dưỡng sinh thu hút đông người cao tuổi tham gia.

Tại Ba Vì, phong trào TDTT trong trường học được nâng cao, huyện đã xây dựng khung chương trình giáo dục thể chất cho học sinh. Cùng với đó, huyện cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học môn thể dục ở các nhà trường và đã khắc phục được tình trạng “dạy chay, học chay” trước đây. Công tác phối hợp giáo dục thể chất cho học sinh trong các nhà trường ngày càng được quan tâm đúng hướng. Chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khoá về thể dục thể thao vào các ngày nghỉ, như tổ chức dạy các lớp Bóng đá, Đá cầu, Cầu lông, đặc biệt là các lớp tập bơi phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh trong các nhà trường; Tổ chức Hội khoẻ Phù đổng các cấp và tham gia các giải thể thao học sinh toàn quốc. Hoạt động thể dục thể thao trường học đã từng bước góp phần tích cực vào việc bảo vệ, rèn luyện nâng cao sức khoẻ của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị thực hiện chương trình quốc gia “Nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam” trong thời gian tới. Với những nỗ lực đó, phong trào TDTT trong nhà trường đã có bước khởi sắc tốt. Các em học sinh có được tinh thần tốt giúp việc học tập được nâng cao, các học sinh có năng khiếu có môi trường để thử sức. Trong 10 năm qua, học sinh huyện Ba Vì đã dành được 12 huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 6 huy Chương Đồng trong các giải toàn quốc.
Đối với Thể thao thành tích cao, huyện Ba Vì có 8 môn thể thao nằm trong hệ thống đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao của Thành phố. Các môn thể thao trong hệ thống thể thao thành tích cao của Ba Vì hiện nay được xác định đúng theo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao của Thành phố, quốc gia và phù hợp với truyền thống, các điều kiện kinh tế – xã hội của huyện, bao gồm: Điền kinh, Bóng ném, Cờ vua, Cờ tướng, Đá cầu, Karatedo, Vovinam, Xe đạp. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nên hàng năm, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch đào tạo VĐV, các lớp năng khiếu TDTT. Đây là lực lượng nòng cốt để tuyển chọn, thành lập đội tuyển tập huấn tham gia thi đấu các giải thể thao do thành phố tổ chức. Đồng thời cung cấp các VĐV xuất sắc cho thành phố tập huấn tham gia thi đấu các giải toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2023, huyện Ba Vì phấn đấu xây dựng Sân vận động, Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, khu thể thao cấp xã, cấp thôn; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thể thao, trang thiết bị phục vụ cho công tác phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trên địa bàn huyện; tiếp tục phát triển một số môn thể thao truyền thống, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tham gia vào các hoạt động thể thao tại cộng đồng. Đổi mới cơ chế quản lý TDTT theo hướng hiện đại, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, đảm bảo tính hệ thống, sự tương thích trong các lĩnh vực và khả năng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong quản lý.

Tiến Đạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *