Di sản – Bảo tồn

Độc đáo đình Chợ Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ

Đình Chợ hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, trong đó có 1 long ngai bài vị, 1 đạo sắc phong thời Nguyễn, 2 bức hoành phi, 1 bộ bát bửu. Đình Chợ được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố năm 2005…

Chợ Chúc, làng Chúc Sơn (nay thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) có từ thế kỉ X, do vị Quận Công Bùi Nghiêm Phổ sau khi hoàn thành nhiệm vụ với vương triều Tiền Lê, đã về đây mở chợ cho dân họp, khai sinh việc buôn bán. Sau khi ông mất, dân làng và dòng họ Bùi đã lập đình thờ. Vì đình được xây ở giữa chợ nên người ta quen gọi là đình Chợ, hay còn gọi là đình Thị.

Theo gia phả của dòng họ Bùi và các tư liệu thành văn, cụ Bùi Nghiêm Phổ, hiệu là Cương Nghị, sinh thời được phong tước Quận Công nên Nhân dân thường gọi cụ là Bùi Quận Công. Lúc nhỏ, Bùi Nghiêm Phổ tư chất thông minh, sức khoẻ hơn người, hay giúp đỡ người nghèo khó. Mặc dù là con nhà quan, có uy quyền nhưng thuở nhỏ Bùi Nghiêm Phổ sống rất chan hoà, bình đẳng với bạn bè, thích tập võ, đấu vật, múa kiếm, đọc sách.

Đình Chợ Chúc Sơn

Thi đấu Vật tại Lễ hội truyền thống Chúc Sơn. Ảnh: Nguyễn Huế

Tương truyền, cụ Bùi Nghiêm Phổ đã đem 3 mẫu đất thực ấp vốn là đất cụ được hưởng và được toàn quyền sử dụng làm của riêng ra mở chợ cho dân họp để buôn bán, trao đổi, kiếm sống. Chợ Chúc có từ đó cho đến ngày nay. Sau khi tướng quân mất, dân làng đã lập ngôi đình trên đất chợ phụng thờ để tưởng nhớ đến công lao của cụ. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Bùi Nghiêm Phổ đã được các triều đại phong kiến về sau phong cho 6 đạo sắc phong, nhưng 5 đạo sắc phong đã bị giặc thiêu huỷ, chỉ còn lại 1 một đạo sắc phong để trong nhà Thuỷ tổ cho đến ngày nay.

Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đình Chợ là nơi họp kín của các lực lượng cách mạng địa phương, là nơi chứa lương thực, cấp phát cho các đơn vị bộ đội và các cơ quan trong huyện Chương Mỹ. Đồng thời là nơi tiễn đưa nhiều người con của địa phương lên đường nhập ngũ, góp phần đem lại hoà bình, thống nhất đất nước.

Đình chợ kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, gồm hai lớp Đại bái, Tiền tế và Hậu cung. Đại bái đình Chợ gồm 5 gian, kiến trúc theo hình thức 4 hàng chân cột với vì nóc kiểu chồng rường. Toà Đại bái này được tu sửa lớn vào thời Nguyễn. Chính giữa Đại bái có một bệ thờ, trên để một bát hương để người đi chợ mua bán có thể thắp hương tưởng nhớ người mở chợ. Trên bệ thờ đó là bức hoàng phi lớn chạm nổi 4 chữ đại tự “Lợi trạch cập dân”, nghĩa là lợi ích nhuần tưới muôn dân. Qua một sân nhỏ tới tòa Tiền tế. Tòa Tiền tế được chia làm 3 gian, trong đó gian giữa được bài trí một hương án lớn, trên hương án bài trí đồ tế tự. Tiếp theo tòa Tiền tế là toà Hậu cung, đây là nơi tôn nghiêm nhất của đình Chợ. Trong toà Hậu cung bài trí long ngai, bài vị thờ Thành hoàng làng, được sơn son thếp vàng.

Đình Chợ hiện còn lưu giữ được nhiều di vật quý, trong đó có 1 long ngai bài vị, 1 đạo sắc phong thời Nguyễn, 2 bức hoành phi, 1 bộ bát bửu. Đình Chợ được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố năm 2005.

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng là dân làng lại mở hội chợ và tế lễ khai xuân để tưởng nhớ người có công với dân, với nước mà dân làng thờ phụng và coi Ngài là vị thần bảo trợ tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Ngọc Trâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *